NĐT lướt sóng vẫn quyết định "xuống tiền" với dự án giảm giá
Chia sẻ về diễn biến thị trường BĐS năm 2021, ông David Jackson cho rằng, đợt bùng phát thứ ba của đại dịch Covid-19 sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến các phân khúc BĐS. Ngành khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề bậc nhất, minh chứng là trong thời gian trước và sau Tết, việc khách nội địa đã hủy hàng loạt kế hoạch nghỉ dưỡng, vé máy bay hay các quyết định đặt phòng khách sạn từ trước; khiến khó khăn thêm gấp bội trong bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam hết sức hạn chế.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại không có ảnh hưởng quá nhiều đến giá nhà ở trong năm 2020 khi mà các phân khúc căn hộ và BĐS liền thổ đều ghi nhận sự tăng giá so với 2019. Các giao dịch vẫn khá sôi động và chủ đầu tư, bên môi giới lẫn khách mua chọn phương thức tương tác online nhiều hơn so với phương thức trao đổi trực tiếp như trước kia.
David Jackson, Tổng Giám Đốc của Colliers International Việt Nam
Theo vị chuyên gia này, không ít người mua hướng đến các mục tiêu đầu tư dài hạn, trông đợi tìm kiếm lợi nhuận khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, bên cạnh đà phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ tác động khiến giá BĐS tiếp tục đi lên. Tuy vậy, trong trường hợp đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trong lâu dài, các chủ đầu tư nhiều dự án sẽ ít nhiều gặp khó khăn về tài chính hoặc cố gắng chờ đợi để có được thời điểm thuận lợi nhất cho việc mở bán.
Khi được hỏi, tâm lý của NĐT có thay đổi trong bối cảnh thị trường như hiện nay, ông David Jackson khẳng định, dù ảnh hưởng của đại dịch nhưng một số NĐT lướt sóng vẫn quyết định "xuống tiền" đối với các dự án có giá giảm khá mạnh (lên đến 20%) dịp trước Tết do khả năng thu về lợi nhuận cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư trung và dài hạn dường như đắn đo nhiều hơn để chọn các dự án chất lượng cao xét về nhiều yếu tố như vị trí, cơ sở hạ tầng hay đơn vị vận hành và vẫn trong tương quan với các tác động tiêu cực từ Covid-19, bởi họ đã chứng kiến thị trường căn hộ cho thuê bị ảnh hưởng về nhu cầu và số lượng giao dịch ra sao khi mà khách quốc tế bắt đầu về nước ồ ạt vào năm ngoái.
Nói về cơ hội cho NĐT lướt sóng, vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh mà các chủ dự án, đơn vị giao dịch và nhà đầu tư xuất hiện trên các nền tảng online nhiều hơn, NĐT nào nhạy bén với thông tin và có các kỹ năng về công nghệ thông tin phù hợp sẽ có nhiều hơn các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Dù vậy, các NĐT cần đặc biệt thận trọng khi đưa ra các dự đoán trong giai đoạn này. Các dự án mới khởi công sẽ khó "lướt" hơn các dự án đã gần hoàn thiện. NĐT cũng cần nguồn vốn trường để chi trả cho các kỳ hạn thanh toán BĐS mà chủ đầu tư quy định đề phòng trường hợp họ không thể tìm ra người mua lại, hoặc người mua lại tiềm năng lại dè dặt do nguồn tài chính hạn hẹp cũng như bị hấp dẫn bởi các dự án khác.
Phân khúc nào sinh lợi ổn định?
Theo chuyên gia Colliers International, năm 2021, lãi suất vay mua nhà dự kiến sẽ tiếp tục giảm và quy định cho vay cũng "mở" hơn do nhiều ngân hàng thương mại có dòng tiền dương. Rõ ràng đây là cơ hội để các NĐT xem xét sử dụng đòn bẩy tài chính trước khi quyết định giao dịch. Tuy nhiên, NĐT chỉ nên viện đến đòn bẩy tài chính nếu chắc chắn rằng bản thân mình có được nền tảng tài chính ổn định trong giai đoạn kinh tế đang gặp khó khăn chung này, bên cạnh việc xem xét toàn diện, thấu đáo chiến lược đầu tư của mình.
Khi được hỏi, với diễn biến của thị trường BĐS hiện nay, phân khúc nào sinh lợi ổn định, ông David Jackson cho hay, BĐS vẫn là nguồn đầu tư quan trọng và diễn biến giá cho thấy giá BĐS vẫn tăng trong năm 2020 ở các phân khúc căn hộ bất chấp đại dịch Covid-19. BĐS liền thổ vẫn có nhu cầu tương đối cao và nguồn cung thì lại hạn chế ở các thị trường Hà Nội và Tp.HCM, và giá có thể tiếp tục tăng trong năm 2021.
So với năm ngoái, NĐT có lẽ sẽ kỳ vọng lợi nhuận trong dài hạn hơn dù cho giá ở các phân khúc có tăng đi chăng nữa. Với NĐT ngắn hạn, vốn không có ý định sử dụng tài sản đã mua, không nên quá kỳ vọng vào các ưu đãi giảm giá sâu (có khi lên đến 20%) từ các đơn vị phát triển dự án dịp cận Tết vừa rồi, trong trường hợp họ không có đủ tài chính để trả các kỳ thanh toán tiếp theo cho căn hộ một khi không thể tìm ra người mua lại. Với NĐT trung hạn và dài hạn, kỳ vọng lợi nhuận có lẽ vẫn giữ nguyên bởi khi quyết định đầu tư, họ đã có quyết định nhìn về dài hạn và hình dung ra viễn cảnh khi dịch Covid-19 qua đi. Trong hình dung đó, họ có thể kỳ vọng giá thuê và khả năng hấp thụ của thị trường có thể quay trở về mức "bình thường" hoặc thậm chí cao hơn.
"Dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư BĐS", ông David Jackson nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng dành lời khuyên cho các NĐT BĐS vào thị trường ở thời điểm này. Đầu tiên, nắm rõ dòng tiền và toàn bộ các yếu tố liên quan đến tài chính của bản thân. Cho dù các chủ dự án có tung ra các ưu đãi, nhà đầu tư vẫn phải thanh toán theo các giai đoạn định sẵn hoặc lãi suất khoản vay. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng các giao dịch kế tiếp có thể sẽ diễn ra chậm hơn trong giai đoạn "đặc biệt" này. Ngoài ra, BĐS cũng không phải là loại hình đầu tư "linh hoạt" như chứng khoán hay trái phiếu, vậy nên với những NĐT cần có dòng tiền liên tục thì nên vội vàng quyết định mua BĐS dù thoạt nhìn có vẻ là khoản đầu tư đầy hứa hẹn.
Điều tiếp theo là việc nắm rõ các thông tin liên quan đến dự án mà NĐT muốn mua là đặc biệt trọng yếu. Uy tín của chủ đầu tư, nhất là về chất lượng công trình cũng như việc đảm bảo đúng tiến độ, thậm chí cần được xem xét kỹ càng hơn trong giai đoạn dịch Covid-19 này – vốn có thể ảnh hưởng đến khả năng trì hoãn tiến độ. NĐT tất nhiên cũng cần hết sức chú ý đến giấy tờ pháp lý của dự án hay các yếu tố về vị trí tọa lạc, cơ sở hạ tầng hay giá cả.
Thứ 3 là, NĐT có thể tìm kiếm cơ hội bên ngoài các khu vực quen thuộc tại Hà Nội hay Tp.HCM. Ví dụ, BĐS nhà ở tại một số tỉnh công nghiệp như Bắc Ninh, Đồng Nai hay Bình Dương có khả năng tăng giá lên đến 10% khi mà ngày càng nhiều người xem các địa phương này là nơi sinh sống thuận tiện để làm việc tại các khu công nghiệp cũng như di chuyển thuận lợi đến 2 "đầu tàu" kinh tế cả nước.