Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng biên tập Báo Lao động cho biết, thị trường bất động sản là thị trường quan trọng trong nền kinh tế, có vai trò đặc biệt trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động…).
Trong gần 2 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và các giải pháp tạo động lực cho thị trường.
Trong đó, bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới đi lùi trong năm 2023. Bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản. Hầu hết doanh nghiệp đều phải đối mặt với nguy cơ phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương hoặc tái cấu trúc… Các doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là "lỗ", hoặc là lợi nhuận có thể giảm tới 80 - 90% so với cùng kỳ các năm trước.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành bất động sản trong nền kinh tế, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi các luật có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Từ ngày 1/8 tới đây, 3 luật mới này sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là sự kiện quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam, vốn đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý và ảnh hưởng của tình hình kinh tế.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, giai đoạn vừa qua bất động sản có sự trầm lắng.
TqdwqdTqThời gian tới, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng, thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều "điểm nghẽn", trong đó lớn nhất hiện nay là các cơ chế chính sách chưa đồng bộ dẫn đến thực trạng cung không đủ cầu.
"Các dự án không được phê duyệt, trong khi nhu cầu về nhà ở rất lớn. Hệ quả làm cho giá nhà tăng cao, nhà giá rẻ khan hiếm, khiến cho người có thu nhập thấp khó chạm tới giấc mơ an cư. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài. Hiện nay, để làm một dự án bất động sản các thủ tục chuẩn bị có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, thậm chí có những dự án đến 15 năm. Ách tắc pháp lý là rào cản rất lớn kìm hãm đà tăng của bất động sản", ông Điệp nhận định.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mảng rất quan trọng trong kinh doanh bất động sản là nhà ở. Nhà ở được xã hội rất quan tâm vì nó đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là ở các đô thị hiện nay. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở còn khó khăn vì nguồn cung không đủ cầu.
"Nhiều người không thiếu nhà ở nhưng lại tham gia đầu tư cho nên dẫn đến tình trạng thiếu. Bất động sản khu công nghiệp, bất động sản khác thì không phải ai cũng đầu tư được nhưng nhà ở thì cá nhân cũng tham gia được, ai cũng muốn mua, ai cũng muốn đầu tư vào nó, dẫn đến bị đẩy giá lên và gây nên những khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên, đây là thị trường nên chúng ta phải chấp nhận cả những người mua để dùng và mua để đầu tư. Nhưng thị trường cần hướng đến những người có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa có nhà ở thì nhà nước phải đáp ứng nhu cầu này cho họ", ông Bình nhận định.
Ông Bình cho hay, chúng ta đã xác định rất trúng khi đầu tư vào nhà ở xã hội, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội vì nhà ở xã hội rất khó để đầu cơ vì phải đủ tiêu chuẩn. Chính phủ đã có đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội và đang thúc đẩy mạnh mẽ đối với đề án này. Trong những năm tới sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu cho người dân, đặc biệt người dân có thu nhập thấp ở các đô thị.
Cũng tại hội thảo, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, "điểm nghẽn" của thị trường bất động sản là những vướng mắc về pháp lý có nguyên nhân từ tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc triển khai thủ tục của dự án bất động sản thường phức tạp, kéo dài, thực hiện không đồng bộ, giữa các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, khó khăn liên quan đến phát triển nhà ở, chuyển đổi nhà ở đối với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư, cơ cấu các loại bất động sản.
"Việc xây dựng luật, hệ thống pháp luật từ nghị định đến thông tư thời gian vừa qua đã được thay đổi và cải thiện, trong đó, giải quyết vấn đề tính đồng bộ. Các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã được hoàn thiện, sẵn sàng để trình Chính phủ, bảo đảm có hiệu lực khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có hướng dẫn tới các địa phương, đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp để triển khai thực hiện với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản hoạt động tốt hơn", ông Dũng nhận định.