Trong tháng 12/2021, chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index đã vượt mức cao nhất trong 10 năm qua. Về mặt bằng chung, giá cả đã tăng ở hầu hết các mặt hàng, từ năng lượng, kim loại đến nông nghiệp do sự kết hợp của các yếu tố cung và cầu.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDIRECT nhận thấy giá hàng hoá đã tăng nhanh theo sau các biện pháp kích thích kinh tế trên toàn thế giới để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát đại dịch cho phép nền kinh tế lớn này tiếp tục tăng trưởng, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng hoá, cụ thể là kim loại công nghiệp và nông nghiệp trên toàn cầu.
Mặt khác, bất chấp sự hồi phục của cầu, nhiều nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu hàng hoá bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong khi chi phí vận chuyển tăng mạnh, gây ra sự đóng băng nguồn cung trong hàng loạt lĩnh vực như nông nghiệp, kim loại, dự trữ khí đốt...Trên thị trường dầu mỏ, OPEC+ vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc gia tăng sản lượng khiến giá năng lượng tăng cao và tác động đến việc sản xuất các mặt hàng khác.
Theo quan điểm của VNDIRECT, giá năng lượng sẽ vẫn ở mức cao trong vài quý tới do cần thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thiếu hụt các khoản đầu tư mới, làm tăng áp lực lên giá các mặt hàng khác.
Đối với kim loại công nghiệp, kỳ vọng với giá kim loại (như thép) sẽ duy trì ở mức cao cho đến quý 1/2022 do tình trạng thiếu hụt năng lượng và vận chuyển cần thời gian để trở lại trạng thái bình thường, sau đó giảm dần xuống mức trung bình dài hạn cho đến cuối năm 2022 khi tình trạng gián đoạn nguồn cung được giải quyết.
Đối với các mặt hàng nông nghiệp, giá được dự báo sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 khi điều kiện nguồn cung cải thiện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các rủi ro tăng giá đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào cao (đặc biệt là phân bón) trong nửa đầu năm 2022, có khả năng đẩy lạm phát giá thực phẩm lên cao.
Do đó, VNDIRECT tin rằng những công ty có mức độ phụ thuộc vào giá hàng hoá cao sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, chẳng hạn như dầu khí và các công ty xuẩt khẩu hàng hoá.
Cụ thể, VNDIRECT kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tiếp tục duy trì mức cao trên 80 USD/thùng trong nửa đầu năm 2022, sau đó cân bằng quanh mức 70-75 USD/thùng trong nửa cuối 2022. Do đó, các công ty trung nguồn có thể thu được lợi ích từ giá dầu cao hơn như GAS vì giá bán sản phẩm được tính theo giá dầu và khí thế giới. Bên cạnh đó, giá dầu tăng mạnh có thể tạo thêm động lực cho các đơn vị liên quan khởi động lại các dự án thăm dò và khai thác (E&P), trước hết mang lại cơ hội việc làm cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS.
Trong bối cảnh nhu cầu thép thế giới vẫn sẽ ở mức cao đến quý 1/2022, VNDRECT kỳ vọng nhu cầu thép trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 và sang cả năm 2022 nhờ hoạt động xây dựng trở lại bình thường sau đại dịch, sự tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng vào năm 2022 đồng thời nguồn cung mới bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong năm tới khi các nút thắt pháp lý dần được nới lỏng. Tuy nhiên, hiện tại, việc giá thép giảm có thể sẽ gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận gộp của các công ty thép trong quý 4 này và cả 2022 khi lượng hàng tồn kho giá rẻ đã hết, đặc biệt là đối với các công ty thương mại thép và tôn mạ. Tuy nhiên, VNDIRECT chỉ ra điểm sáng đến từ Hòa Phát (HPG) khi đây là công ty thép niêm yết duy nhất có triển vọng duy trì biên lợi nhuận gộp cao trong Q4/21-2022 nhờ lợi thế về quy mô và khả năng quản lý chi phí.
Việc thị trường lớn là Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường khiến sản lượng và tồn kho phốt pho vàng ở Trung Quốc duy trì ở mức tương đối thấp và sẽ tiếp tục như vậy vào năm 2022. Do đó, giá phốt pho vàng có khả năng tiếp tục tăng vào năm 2022. VNDIRECT kỳ vọng Hóa chất Đức Giang (DGC) sẽ tận dụng được lợi thế từ việc tăng giá phốt pho vàng do đây là nhà sản xuất phốt pho số 1 tại Việt Nam. Ngoài ra, ngày 21/9, DGC đã thử nghiệm thành công dây chuyền sản xuất axit phốt pho điện tử để xuất khẩu cho các nhà sản xuất linh kiện điện tử. VNDIRECT dự báo doanh thu phốt pho vàng và phốt pho điện tử của DGC sẽ tăng lần lượt 42% và 93% so với cùng kỳ và 93% trong năm 2022.
Giá đường toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 do thiếu hụt cung, đặc biệt là giá đường Việt Nam đang thấp hơn trng khu vực, từ đó khả năng cao giá đường nội địa sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Đặc biệt, thuế chống bán phá giá và hoạt động điều tra đường nhập lậu sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong nước trong năm tới. Theo quan điểm của VNDIRECT, các doanh nghiệp sản xuất đường như Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể tận dụng xu hướng tăng của giá đường và gia tăng biên lợi nhuận gộp mảng mía đường nhờ sở hữu quy mô lớn thứ hai về vùng nguyên liệu mía. VNDIRECT dự báo doanh thu từ đường sẽ tăng trưởng 35% so với cùng kỳ trong năm 2022, đóng góp 26% vào tổng doanh thu của QNS.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp thiên về hoạt động xuất khẩu trong ngành cao su, gạo hay thủy sản sẽ được hưởng lợi nhất từ việc giá cả các mặt hàng này tăng. Sự đi lên của cao su trong năm 2022 được hỗ trợ thêm bởi sự tăng mạnh của giá dầu, cũng như kỳ vọng phục hồi kinh tế, GVR, PHR là những doanh nghiệp được lựa chọn. Giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu năm 2022 mặc dù sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2015-2019, từ đó giúp các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi trong năm 2022 như TAR.
Còn thị trường nhập khẩu phục hồi sẽ thúc đẩy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản trong khi chi phí vận tải đang có xu hướng giảm. Những yếu tố này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gia tăng doanh thu cũng như biên LN ròng, hứa hẹn một thời kỳ tươi sáng cho ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như Vĩnh Hoàn (VHC).