Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm 04/10, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London bật tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 28 USD, tức tăng 1,76%, lên mức 1.616 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2019 tăng 29 USD, tức tăng 1,83%, lên mức 1.615 USD và kỳ hạn giao tháng 3/2019 tăng 28 USD, tức tăng 1,75%, lên mức 1.625 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cũng đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng 0,35 cent, tức tăng 0,33%, lên mức 106,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2019 cũng tăng 0,35 cent, tức tăng 0,32%, lên mức 110,4 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 400 – 500 đồng/kg, lên dao động trong khung 34,1 – 34,7 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.555 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 60 – 70 USD theo giá kỳ hạn tháng 3/2019 tại London.
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn thế giới đảo chiều tăng trở lại, tiếp sau phiên điều chỉnh giảm trước đó là do sự tác động tích cực từ tỷ giá đồng Reais của Brasil tăng mạnh trở lại trước thềm bầu cử tổng thống mới. Sự hứa hẹn của ứng cử viên "cực hữu" về việc sẽ vực dậy đồng Reais, do nạn tham nhũng của vị tổng thống tiền nhiệm khiến đồng Reais suy yếu kéo theo một số hàng hóa nông sản mà Brasil là cường quốc sản xuất hàng đầu đã mất giá trầm trọng, nhất là giá cà phê.
Giá cà phê thế giới giảm sâu còn do sự tác động của nhiều yếu tố cơ bản khác nữa. Nổi bật là dự báo Brasil năm nay được mùa kỷ lục, Indonesia cũng vừa thu hoạch vụ mùa đáng kể sau nhiều năm thất thu trầm trọng, sản lượng của khu vực Trung Mỹ cũng được cải thiện đáng kể và Việt Nam cũng đối diện vụ mùa được cho là sẽ đạt kỷ lục mới. Trong khi đó, biến động trên hầu hết các thị trường phái sinh do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc lây lan đã khiến đầu cơ và quỹ mạnh tay rót tiền vào thị trường cà phê và lập nên những con số kỷ lục mới vì cho rằng mặt hàng này ít bị ảnh hưởng, do Mỹ không phải là nhà sản xuất cà phê và Trung Quốc cũng chưa phải là thị trường tiêu thụ cà phê truyền thống.
Báo cáo thương mại tháng Tám của Tổ chức Cà phê Quốc tế cho thấy trong vòng 12 tháng qua, toàn cầu xuất khẩu cà phê Arabica đạt 76,24 triệu bao, giảm 0,2% so với 76,39 triệu bao trong 12 tháng trước đó ; trong khi đó xuất khẩu cà phê Robusta lên tới 45,02 triệu bao, tăng 1,99% so với 44,14 triệu bao. Tuy nhiên, mức xuất khẩu tăng kết hợp với dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ dư thừa nhỏ cũng không làm các bộ phận đầu cơ trên hai thị trường cà phê kỳ hạn thế giới lo lắng khi ICO cũng dự báo tiêu thụ toàn cầu vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 2% mỗi năm, ít nhất là trong gần 30 năm qua.
Kết thúc niên vụ cà phê 2017/2018, báo cáo xuất khẩu từ Indonesia chỉ đạt tổng cộng 1,6 triệu bao cà phê các loại, một con số hết sức bất ngờ. Trong khi dự kiến con số xuất khẩu trong cùng niên vụ cà phê này của Việt Nam có thể lên tới 30 triệu bao, cũng bất ngờ không kém.
Như vậy, nguồn cung cà phê Robusta ngắn hạn cho toàn cầu sắp tới phụ thuộc vào sức bán và cách bán của nhà sản xuất Indonesia khi họ vừa thu hoạch vụ mùa mới với sản lượng hơn 11 triệu bao. Trong khi nguồn cung Việt Nam đã cạn kiệt do đẩy mạnh xuất khẩu và hiện đang bước vào giai đoạn "giáp hạt".