Theo Bộ Công Thương, điều kiện thời tiết ở khu vực Tây Nguyên đang rất thuận lợi cho vụ cà phê cuối năm nay. Hiện tại, người trồng cà phê Việt Nam chỉ còn khoảng 10% sản lượng cà phê niên vụ 2017/2018. Trong khi đó, các công ty đã xuất khẩu được gần 2/3 lượng cà phê tồn kho. Nhiều nông dân Việt Nam vẫn giữ cà phê trong kho bởi hiện nay giá thấp. Giá cà phê tại thị trường trong nước những ngày đầu tháng 7 tăng trở lại so với cuối tháng 6/2018, nhưng vẫn ở mức dưới 36.000 VNĐ/kg.
Cụ thể, ngày 11/7/2018, giá cà phê nhân xô Robusta tăng từ 0,3 – 1,1% so với ngày 30/6/2018, phổ biến ở mức 35.200 – 35.900 VNĐ/kg. Tại các kho quanh khu vực thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê loại R1 có mức 37.200 VNĐ/kg, ổn định so với cuối tháng 6/2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 6/2018 đạt 156,2 nghìn tấn, trị giá 296,59 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so tháng 5/2018, tăng 27,9% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,04 triệu tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng, nhưng giảm 5,1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2017.
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tháng 6/2018 đạt 1.898 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng 5/2018 và giảm 15,9% so với tháng 6/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.927 USD/tấn, giảm 14,8% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Tháng 6/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê sang hầu hết các thị trường đều giảm so với tháng 5/2018. So với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang thị trường Singapore và Israel tăng lần lượt 13,0% và 6,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang thị trường Campuchia đạt mức cao nhất 4.740 USD/tấn, tăng 9,9% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Tháng 6/2018, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Ý, Thái Lan, Philippines, Nga tăng cả về lượng và trị giá so với tháng 6/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức và Mỹ giảm cả về lượng và trị giá.
Theo đó, tháng 6/2018, xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức đạt trên 22 nghìn tấn, trị giá 39,53 triệu USD, tăng 59,2% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với tháng 6/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê sang Đức đạt 136,6 nghìn tấn, trị giá 248,25 triệu USD, giảm 1,1% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trên thị trường thế giới, những ngày đầu tháng 7/2018, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động mạnh do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, sau khi giảm mạnh trong ngày 6/7/2018, giá cà phê trên thị trường đã phục hồi trở lại. Tính đến ngày 11/7/2018, giá cà phê Robusta biến động nhẹ so với mức giá cuối tháng 6/2018. Giá cà phê Arabica giảm trên cả sàn giao dịch New York và BMF của Brasil.
Nguồn: Sàn giao dịch London.
Tổ chức Cà phê Thế giới ước tính sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2017 - 2018 sẽ đạt 158,56 triệu bao, thấp hơn 1,3% so với vụ mùa trước. Đặc biệt, sản lượng cà phê khu vực Nam Mỹ được dự đoán giảm 8,2% xuống 70,57 triệu bao. Sản lượng cà phê Arabica ước tính sẽ giảm 6,6% xuống 97,16 triệu bao.
Ngược lại, sản lượng cà phê Robusta được dự đoán tăng 11,5% lên 61,4 triệu bao. Tổng lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 5/2018 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 9,27 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 4,4% xuống 3,65 triệu bao, xuất khẩu cà phê Arabica giảm 17% xuống 5,62 triệu bao.
Bộ Công Thương cho biết, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện.