Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 4 USD, tức tăng 0,24%, lên mức 1.670 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 6 USD, tức tăng 0,36%, lên 1.659 USD/tấn. Khối lượng giao dịch giảm xuống rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 0,4 cent, tức tăng 0,36%, lên 110,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 0,4 cent, tức tăng 0,35%, lên 113,8 cent/lb. Khối lượng giao dịch giảm xuống ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.500 – 35.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.559 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .
Thị trường toàn cầu vẫn đang chịu tác động của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trong khi vẫn dõi theo các cuộc gặp gỡ liên tiếp của nguyên thủ các cường quốc để tìm kiếm sự ổn định kinh tế – chính trị thế giới và suy đoán về số lần Fed sẽ tăng lãi suất USD trong năm nay.
USD giảm nhẹ, đồng Euro có dấu hiệu mạnh lên, Trung Quốc đẩy mạnh thương mại nhằm bù đắp cho mức tăng trưởng GDP có phần giảm nhẹ so với tháng trước trong khi đồng Reais Brasil cũng có phần mạnh hơn đã thúc đẩy giá cả hàng hóa nông sản bật tăng trở lại. Theo các nhà quan sát, có dấu hiệu cho thấy dòng vốn đầu cơ trên sàn vàng và dầu thô được điều chỉnh giảm trong khi các thị trường chứng khoán cũng khởi sắc trở lại.
Mặc dù giá cà phê Arabica đã chạm đáy ở mức thấp bốn năm rưỡi nhưng đầu cơ trên sàn New York vẫn mạnh tay bán ròng lên mức kỷ lục. Một thương nhân chuyên kinh doanh cà phê Brazil tại Miami, bang Florida Mỹ, cho rằng chính điều này đã khiến giới thương nhân chưa dám đẩy mạnh mua vào do còn muốn xác thực sản lượng cà phê Arabica của Brazil vụ mùa năm nay hiện đang thu hoạch rõ ràng hơn nữa.
Tập đoàn Tài chính đa quốc gia Citi Group, có trụ sở ở New York, vừa phát hành bản tin cho nhà đầu tư của mình trong đó dự báo niên vụ cà phê 2018/2019 toàn cầu sẽ đạt sản lượng 171,9 triệu bao và tiêu thụ sẽ ở mức 163,2 triệu bao, đồng nghĩa là tổng cung sẽ dư 8,7 triệu bao, cao hơn một chút so với dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ dư 8 triệu bao. Citi Group cũng dự báo sản lượng Brasil vụ mùa năm nay sẽ đạt 60,5 triệu bao, tăng 18,6% so với vụ trước chỉ đạt 51 triệu bao.
Trong khi đó, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2018/19 sẽ đạt khoảng 57,1 triệu bao.
Giá cà phê Robusta có phần vững hơn do đồn đoán nguồn cung Việt Nam sẽ giảm thấp đáng kể trong những tháng sắp tới, Brazil vẫn hạn chế bán Conilon Robusta, trong khi cà phê Lampung loại 4 của Indonesia vẫn duy trì mức giá chênh lệch cộng 80 – 100 USD/tấn so với giá kỳ hạn London, cho dù tỷ giá đồng Rupiah hiện đang yếu thêm.
Theo dự báo của USDA, sản lượng cà phê Indonesia vụ năm nay sẽ tăng 5% lên mức 11,1 triệu bao. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng đã báo cáo Indonesia tiêu thụ năm nay xấp xỉ ở mức 5 triệu bao, đưa quốc gia trồng cà phê thuộc khu vực Đông Nam Á này lên hàng các nước sản xuất tiêu thụ nhiều cà phê nhất, chỉ xếp sau cường quốc cà phê Brazil.
Hiệp hội các nhà Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê (AKEI) ở Indonesia cho biết, họ tích cực đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng để hạn chế xuất khẩu cà phê nguyên liệu nhằm nâng cao lợi nhuận hơn nữa cho ngành công nghiệp cà phê của quốc đảo này.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam tiếp tục trạng thái im ắng, trong tâm thế chờ đợi mức giá khả quan hơn, nên không ghi nhận được giao dịch nào đáng kể.