Rạng sáng 8-10 (giờ Việt Nam), cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 trên sàn trên sàn London (Anh) giảm đến 199 USD/tấn, xuống mức 4.868 USD/tấn.
Ở các kỳ hạn giao hàng khác, cà phê Robusta cũng mất 186 - 199 USD/tấn, về mức từ 4.347 - 4.868 USD/tấn.
Giá cà phê giảm không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia khi các chỉ số thống kê đều cho thấy nguồn cung cà phê trên thế giới đã cải thiện.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 8 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10,92 triệu bao (mỗi bao 60 kg).
Tính chung trong 11 tháng niên vụ vừa qua (tính từ tháng 10-2023 đến tháng 8-2024) xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 125,67 triệu bao. Đặc biệt, khi Ủy ban châu Âu (EU) thông báo hoãn việc thực hiện luật chống phá rừng (EUDR) thêm 1 năm, tức áp dụng vào 30-12-2025 khiến các nhà nhập khẩu từ EU không vội nhập hàng để trữ phòng thương mại bị gián đoạn do quy định mới.
Như vậy, sự thiếu hụt cà phê tập trung vào nguồn cung Robusta của Việt Nam khi thống kê sơ bộ cho thấy cả niên vụ vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 1,23 triệu tấn, giảm gần 18% so với niên vụ trước.
Giá cà phê biến động quá mạnh khiến nông dân Tây Nguyên vô cùng hồi hộp trước vụ thu hoạch mới. Nhiều nơi, giá cà phê đã về sát mốc 110.000 đồng/kg, giao dịch hạn chế vì các bên đều dè chừng biến động.
Ông Lê Thanh (ngụ Kon Tum) cho hay gia đình có 3 ha trồng cà phê, năm ngoái đã bán cà phê ở giá 73.000 đồng/kg sau đó chứng kiến giá cà phê lên vù vù, có lúc vượt 130.000 đồng/kg và ổn định ở khoảng 120.000 đồng/kg trong thời gian dài nhưng không có hạt cà phê nào để bán.
"Hiện gia đình chúng tôi đã hái tỉa cà phê nhưng cũng chưa có hàng để bán. Không biết đến lúc thu hoạch vào giữa tháng 11 tới thì giá cà phê có rớt thảm như trước hay không?" – ông Thanh lo lắng.