Ngày 4-4, giá cà phê Robusta ghi nhận tại các tỉnh Tây Nguyên đã vượt mức 100.000 đồng/kg, lên mức 103.000 – 105.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam.
Tại thị trường quốc tế, trên sàn London giá cà phê Robusta ở mức 3.812 USD/tấn, tăng 149 USD/tấn so với ngày hôm trước và cao nhất kể từ năm 1995 đến nay.
Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA (tỉnh Gia Lai) nói rằng giá cà phê thế giới hiện rất gần so với đỉnh lịch sử năm 1994 là 4.040 USD/tấn.
Năm 1994, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7 đã tăng hơn 200% và điều này có thể lặp lại trong năm nay.
Giá cà phê tăng cao là niềm vui của những nông dân còn đang trữ cà phê (với sản lượng theo ước tính của các chuyên gia là khoảng 100.000 tấn) nhưng gây nhiều tiếc nuối với những nông dân bán hàng sớm.
Một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê và cà phê rang xay gặp khó khi giá nguyên liệu tăng quá nhanh trong khi giá đầu ra chưa thể tăng tương xứng.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School, cho biết mức tăng giá các loại cà phê thành phẩm chỉ đang ở mức 20%-30% trong khi cà phê nguyên liệu tăng hơn 100%.
"Các doanh nghiệp sản xuất và thương mại cà phê đang bị động về nguồn nguyên liệu đầu vào vì nguồn cung khan hiếm và giá tăng cao ngoài dự đoán. Đối diện với thị trường biến động giá, những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch sản xuất không chỉ về nguồn hàng mà còn các khía cạnh đầu ra thị trường lâu dài" – ông Thanh nói.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2023-2024 đã trải qua được 6 tháng. Tình hình thị trường cà phê thế giới và trong nước thời gian qua có nhiều biến động ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất chế biến, thu mua cung ứng và kinh doanh xuất khẩu cà phê .
Giá cà phê tăng cao nhất qua các năm và tăng liên tục từ đầu vụ (tháng 3-2023 giá 47.000 đồng /kg; tháng 10-2023 giá khoảng 58.000đ/kg) và đến nay đã vượt qua 100.000 đồng/kg, gây nhiều khó khăn cho những doanh nghiệp kinh doanh trong huy động vốn vay ngân hàng.
Đặc biệt, tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua những đại lý, thương lái. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (trong đó có doanh nghiệp vốn nước ngoài) đã phản ánh với VICOFA một số đại lý thu mua và doanh nghiệp đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro.