Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục xu hướng điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 4 USD, tức tăng 0,23% lên ở mức 1.751 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 3 USD, tức tăng 0,17% lên ở mức 1.736 USD/tấn. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được tiếp tục nới rộng khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài đà giảm liên tiếp lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 1,2 cent, tức giảm 1%, xuống 118,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm thêm 1,2 cent, tức giảm 0,99%, còn 120,55 cent/lb. Khối lượng giao dịch được duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên điều chỉnh tăng 100 đồng/kg, lên dao động trong khung 35,4 – 36,2 triệu đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.616 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 110 – 120 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm trước ngày đáo hạn quyền chọn tháng 7 của sàn New York, ngày 08/6, do các đầu cơ thanh lý vị thế và chuyển tháng kỳ hạn. USD yếu trở lại trước hàng loạt nước thắt chặt chính sách tiền tệ, nhất là các thị trường mới nổi khiến phần lớn nhà đầu cơ e ngại còn đứng bên ngoài các thị trường chờ đợi nghe ngóng thêm. Tuy nhiên, đồng Reais tiếp tục giảm sâu và có dấu hiệu cho thấy người Brazil đang mạnh tay bán hàng giao sau do lo ngại cà phê bị ứ đọng như đợt đình công của tài xế xe tải vừa qua trong khi thu hoạch vụ mùa Arabica mới cũng đã bắt đầu.
Báo cáo từ Sở giao dịch cà phê Nairobi (NCE) của Kenya cho biết giá cà phê Arabica chất lượng cao đã sụt giảm đáng kể qua phiên đấu giá cuối tháng 5, trong khi ở các phiên đấu giá liền kề trước đó đã tăng rất mạnh lien tiếp. Nguyên nhân giá giảm là do chất lượng hàng kỳ này của nông dân đưa ra đấu giá bị giảm sút do mưa nhiều. Được biết, cà phê Arabica chất lượng cao của Kenya được bán qua các phiên đấu giá vào ngày thứ Ba hàng tuần trên sàn Nairobi.
Liên đoàn các nhà trồng cà phê quốc gia (Fedecafe) Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê trong tháng 5 tăng 287.000 bao, tức tăng 31,85% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 1.188.000 bao. Nhưng lũy kế sản lượng trong 8 tháng đầu niên vụ 2017/2018 chỉ đạt tổng cộng 9.544.000 bao, giảm 146.000 bao, tức giảm 1,51% so với cùng kỳ niên vụ trước đó.
Fedecafe Colombia cũng đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 5 tăng 121.000 bao, tức tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 961.000 bao. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu niên vụ 2017/2018 lại giảm 404.100 bao, tức giảm 4,39% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống chỉ đạt tổng cộng 8.804.900 bao.
Trong khi đó, có báo cáo thời tiết cho thấy các vùng trồng cà phê Conilon Robusta ở Brazil đang bị khô hạn, có nghĩa là sản lượng sẽ thấp hơn do hạt cà phê không đạt kích cỡ và không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thậm chí đã xuất hiện ý kiến cho rằng Brazil cần phải mua thêm cà phê Robusta trên thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp trong nước.
Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận, tính đến thứ Hai ngày 04/6, đã giảm thêm 1.070 tấn, tức giảm 1,36% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở mức 77.690 tấn (tương đương 1.294.833 bao, bao 60 kg).
Giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục có sự hồi phục vào cuối phiên như muốn khẳng định nhu cầu hàng thực vẫn còn cao. Vào lúc này, bên cạnh nguồn cung cà phê Robusta Indonesia khó cạnh tranh vì ngành công nghiệp trong nước đang mua với mức giá cộng so với giá kỳ hạn, thị trường vẫn tiếp tục hướng về Việt Nam là nguồn cung duy nhất và có mức giá khá cạnh tranh trong ngắn hạn hiện nay.
Thị trường cà phê Tây nguyên vẫn tỏ ra yên ắng do người nông dân vẫn chưa muốn bán cà phê ra ở mức giá hiện hành.