Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai 23/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng tăng phiên thứ ba liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 3 USD, tức tăng 0,18% lên 1.686 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng thêm 3 USD, tức tăng 0,18% lên 1.676 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng tiếp nối xu hướng tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 1 cent, tức tăng 0,90% lên 111,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng thêm 1 cent, tức tăng 0,88% lên 115,05 cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng lên trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 100 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.800 – 35.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.576 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .
Giá cà phê tuy đã có sự hồi phục liên tiếp nhưng xu hướng tăng vẫn chưa được xác nhận. Theo các nhà quan sát, cả hai thị trường cà phê kỳ hạn hiện đang ở trong trạng thái bán ròng quá mức của đầu cơ và các quỹ khi thị trường đang chịu sức ép vụ mùa mới kỷ lục của Brasil và nhu cầu bán ra cũng mạnh không kém do tỷ giá đồng Reais liên tục bị phá giá trước thềm bầu cử tổng thống mới của nước này vào tháng 10 tới, sau một thời kỳ được cho là tồi tệ nhất vì nạn tham nhũng của quốc gia sản xuất nông sản "khổng lồ" ở Nam Mỹ.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 17/7, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 16,07% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở mức kỷ lục mới là 86.413 lô, tương đương với 24.497.703 bao và có nhiều khả năng đã giảm nhẹ trở lại sau những ngày thương mại hỗn hợp nhưng có phần tích cực hơn kể từ đó tiếp theo sau.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 17/7, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 5,66% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký mức bán ròng kỷ lục mới ở 38.813 lô, tương đương với 6.468.833 bao và có nhiều khả năng đã giảm nhẹ sau những ngày thương mại hỗn hợp nhưng có phần tích cực hơn kể từ đó tiếp theo sau.
Theo giới quan sát, lượng bán ròng "quá mức" trên cả hai sàn cho thấy giá cà phê vẫn còn tiêu cực trong ngắn lẫn trung hạn. Và do đó, cũng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khi thị trường xuất hiện những yếu tố không thể lường trước được mà không gì hơn vào lúc này là tin thời tiết sương giá mùa đông ở các vùng cà phê chính của Brasil. Điều này đã thúc đẩy đầu cơ và các Quỹ cần phải cân đối các vị thế của mình một cách cẩn trọng hơn.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) phá giá Nhân dân tệ lần từ 2 với quyết định bơm thêm 502 tỷ tệ (tương đương 74,2 tỷ USD) vào hệ thống tài chính do có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Giới chuyên gia cho rằng động thái này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và bày tỏ quan ngại với lộ trình tăng lãi suất USD của Fed trong năm nay có thể khiến "trade war" chưa thấy điểm dừng.
Tuy nhiên, thị trường thương mại cà phê lại tỏ ra lạc quan trước tiềm năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mua vào từ vùng giá thấp khi dòng vốn vay vừa có sự hỗ trợ mạnh và dù sao đi nữa, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với mặt hàng cà phê đang có mức tăng ở 2 con số trong vòng ba năm gần đây.
Được biết, Trung Quốc là nhà sản xuất cà phê Arabica và hầu hết dành cho xuất khẩu trong khi nhập khẩu cà phê Robusta chủ yếu từ Việt Nam về để tiêu thụ trong nước.
Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 7 chỉ đạt 57.660 tấn (khoảng 961.000 bao), sụt giảm khá mạnh so với tháng trước như thương mại đã dự báo. Tuy được cho là có sự kháng giá nội địa nhưng khối lượng xuất khẩu sụt giảm cũng là điều thường thấy khi bước vào giai đoạn cuối niên vụ.