Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 28 của năm 2018, giá cà phê Robusta trên sàn ICE London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 15 USD, tức giảm 0,89% xuống ở mức 1.666 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 13 USD, tức giảm 0,78% xuống ở mức 1.653 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo thu hẹp khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Robusta trên sàn ICE New York tiếp nối đà giảm liên tiếp lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,65 cent, tức giảm 1,48% xuống ở mức 109,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,7 cent, tức giảm 1,48% xuống ở mức 113,4 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch tăng lên rất cao trên mức trung bình. Giá cà phê Arabica vẫn quanh quẩn ở mức thấp 4 năm rưỡi.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên cuối tuần này giảm 300 đồng/kg, xuống dao động trong khung 34,4 – 35,1 triệu đồng/tấn. Giá cà phê nội địa đã giảm xuống ở mức thấp hơn 26 tháng.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.558 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ – Trung vẫn là tâm điểm khiến cho hầu hết giá cả hàng hóa sụt giảm có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, phần lớn các nhà đầu tư vẫn chưa dám mua vào khi đồng nội tệ tiếp tục mất giá so với USD và vẫn còn đó việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay là nguyên nhân chính làm cho các thị trường hàng hóa nông sản đồng loạt "đỏ sàn" trong phiên cuối tuần.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ tiếp tục duy trì lãi suất 0% ít nhất tới giữa năm sau và sẽ sớm kết thúc các gói QE vào cuối năm nay, khi các thị trường đang rơi vào cơn bão giá do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã tác động tiêu cực lên các mối quan hệ đối tác giữa các các nền kinh tế lớn.
USD vẫn vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh trong khi đồng Reais suy yếu kéo dài kết hợp với sức bán hàng vụ mới từ Brazil đã làm cho giá cà phê Arabica tại sàn kỳ hạn New York phiên cuối tuần tiếp tục sụt giảm sâu hơn.
Cho dù vẫn bị tác động mạnh từ sàn New York nhưng giá cà phê Robusta tại sàn London vẫn có dấu hiệu vững hơn khi chỉ dao động trong biên độ hẹp. Khối lượng thương mại trong phiên khá thấp do đầu cơ không dám mạnh tay bán ròng, trong khi phần lớn khách mua của các thị trường chính ở phía bắc bán cầu đang trong kỳ nghỉ mùa hè nên giao dịch trong phiên cuối tuần diễn ra một cách rời rạc, uể oải.
Thị trường cà phê Robusta vẫn còn đó mối lo nguồn cung khô cạn khi Brazil và Indonesia, hai nhà sản xuất Robusta lớn vẫn chưa ra hàng vụ mới mà còn dành ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước. Trong khi Việt Nam có dấu hiệu khô cạn do đã đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm nay và nhất là xuất hiện sự hoài nghi về sản lượng vụ thu hoạch vừa qua khi bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh giảm dự báo niên vụ 2017/2018 từ 29,5 triệu bao xuống còn 29,3 triệu bao.
Trong khi đó, USDA cũng dự báo sản lượng Việt Nam vụ mới cuối năm nay có thể tăng 2% lên đạt 29,9 triệu bao do thời tiết thuận lợi. Đây mới là yếu tố chính khiến "bò đầu cơ" trên sàn London còn ngần ngại.
Tất nhiên, bên cạnh còn là lực kéo giảm từ sàn New York do hai sàn đã liên thông và nhất là khi thị trường cà phê Arabica vẫn quanh quẩn ở mức thấp bốn năm rưỡi.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam không ghi nhận được bất kỳ giao dịch nào đáng kể ở vùng giá thấp hiện nay.