Qua 5 phiên giao dịch trong tuần này, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm trong phên chốt tuần. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 12 USD, tức giảm 0,69% xuống ở mức 1.721 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 11 USD, tức giảm 0,64% xuống ở mức 1.712 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng lên khá cao trên mức trung bình. Giá xuống đứng ở mức thấp 5 tháng.
Trái lại, với 4 phiên liên tiếp sụt giảm đầu tuần, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York chốt tuần với phiên đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 1,55 cent, tức tăng 1,34% lên ở mức 117,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,5 cent, tức tăng 1,27% lên ở mức 119,5 cent/lb. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô sáng nay tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 200 đồng/kg, xuống dao động trong khung 35.000 – 35.600 triệu đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.597 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 110 – 115 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta London kỳ hạn tháng 9 giảm 26 USD, tức giảm 1,5% và giá cà phê nhân xô trong nước giảm 500 đồng/kg, tức giảm 1,39%, trong khi giá cà phê Arabica New York kỳ hạn tháng 9 giảm mạnh tới 5,45 cent/lb, tức giảm 4,36%, mức giảm mạnh nhất.
Giá cà phê Arabica sụt giảm khá mạnh trong tuần là điều đã được thị trường dự kiến do còn nguyên sức ép vụ mùa mới với dự báo sản lượng đạt "kỷ lục" hiện đang thu hoạch ở Brazil. Bên cạnh đó còn là sự khai thông vận chuyển hàng hóa sau 10 ngày biểu tình phong tỏa các đường cao tốc huyết mạch của giới tài xế xe tải làm cho khoảng 900.000 bao cà phê của quốc gia sản xuất hàng đầu bị đình trệ không giao lên tàu xuất khẩu được.
Góp phần làm cho giá cà phê suy thoái trong tuần là tỷ giá đồng Reais của Brazil giảm sâu xuống đứng ở mức 3,9054 Reais ăn 1USD do bất ổn kinh tế trước thềm bầu cử tổng thống mới. Tỷ giá này đã thúc đẩy nông dân Brazil mạnh tay bán ra vì họ sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn, bất chấp giá cà phê đang giảm thấp trên cả hai thị trường kỳ hạn thế giới.
Trong khi đó, ngày đáo hạn quyền chọn tháng 7 trên sàn New York vào cuối tuần này (ngày08/6) đã buộc đầu cơ và các quỹ phải chuyển tháng kỳ hạn nhằm điều chỉnh, cân đối vị thế đã khiến giá cà phê sụt giảm là điều thường thấy không riêng trên thị trường này mà còn chi phối mạnh mẽ lên cả sàn cà phê Robusta London do tính liên thông giữa hai thị trường.
Điều đáng chú ý là khối lượng giao dịch trên sàn New York trong 2 phiên cuối tuần ở mức "khủng" hiếm thấy, không chỉ cho thấy cà phê vẫn là mặt hàng có sức hấp dẫn đầu cơ, chỉ xếp sau vàng và dầu thô, mà còn như muốn báo hiệu khả năng thế giới dư thừa cà phê trong ngắn hạn theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã dự báo do Brazil được mùa "chưa từng thấy".
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên đã giảm xuống còn 35 – 35,6 triệu đồng/tấn, xấp xỉ mức thấp nhất kể từ đầu vụ, cũng là mức thấp 25 tháng. Mức giá quá thấp này đã khiến cho thị trường cà phê nội địa dường như bị tê liệt mà không ghi nhận bất kỳ một giao dịch nào của nông dân vào lúc này.
Chị Đoàn thị Hòa, chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê và các loại nông sản ở thị trấn huyện Ea H’Leo Đăk Lăk, cũng là nhà cung ứng cà phê cho một công ty cà phê FDI lớn ở phía nam cho biết, trong tay nhà đầu cơ và nông dân còn khoảng gần 20% lượng cà phê vụ mùa vừa qua chưa được chốt giá và cho rằng sẽ không ai bán ra với mức giá thấp hiện hành.