Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư 18/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 9 giảm 3 USD, tức giảm 0,18% xuống 1.651 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 4 USD, tức giảm 0,24% xuống ở mức 1.641 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 9 giảm 1,1 cent, tức giảm 1,01%, xuống 108,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 1,15 cent, tức giảm 1,02%, xuống 111,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 100 đồng/kg so với phiên trước, xuống dao động trong khung 34.200 – 34.800 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, xuống đứng ở 1.546 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .
Theo bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo triển vọng vụ mùa mới năm nay của Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn thứ nhất thế giới sẽ hơn 60 triệu bao, đạt kỷ lục chưa từng có và của Việt Nam, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới sẽ hơn 29,9 triệu bao, đạt mức cao nhiều năm gần đây, tiếp tục đè nặng lên các thị trường cà phê trong trung hạn.
Trong khi đó, USD tiếp tục vững chắc trong rổ tiền tệ mạnh, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất đã góp phần tác động tiêu cực lên hầu hết các thị trường hàng hóa vĩ mô tổng thế. Và do đó, đã thúc đẩy đầu cơ trên hai sàn cà phê kỳ hạn thế giới mạnh tay bán ròng.
Theo các nhà quan sát, nhiều nhà đầu tư hiện nay có niền tin rằng thế giới sẽ không còn tình trạng thiếu hụt cà phê liên tiếp như ba năm vừa qua. Chuyên gia Jack Scoville, phó chủ tịch tập đoàn môi giới Price Futures tại Chicago cũng cho rằng các nhà đầu cơ đang bị mê hoặc bởi viễn cảnh có thể sẽ không bao giờ thiếu nguồn cung nữa.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) từ thị trường cà phê Arabica New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 10/7, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 1,78% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở mức kỷ lục mới là 74.448 lô, tương đương với 21.105.678 bao và có nhiều khả năng đã được tăng thêm sau những ngày thương mại chủ yếu là tiêu cực kể từ đó đến nay.
Báo cáo CFTC từ thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 3,04% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 36.735 lô, tương đương với 6.122.500 bao và có nhiều khả năng đã tăng thêm đáng kể sau những ngày thương mại tiêu cực kể từ đó tiếp theo sau.
Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafé) Brazil cho biết xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 6 đã giảm 8,5% so với tháng trước, xuống chỉ đạt 26,83 triệu bao, bao 60kg. Nguyên nhân xuất khẩu giảm được cho là do nông dân đang tập trung đẩy mạnh thu hoạch vụ mùa mới nên cũng không quan tâm bán ra vào lúc này.
Hiện nay đã có nhiều dự báo thời tiết thể hiện sự quan ngại do biến đổi khí hậu nên khả năng Brazil sẽ có sương giá trên các vùng trồng cà phê ở miền nam trong mùa đông năm nay. Tuy nhiên cũng chưa thể khẳng định và chưa có cơ sở để dự báo sương giá sẽ gây hại ở mức độ nào nên hầu hết các dự báo đều tỏ ra dè dặt, thận trọng. Cũng xin được nhắc lại đợt sương giá gần nhất gây hại rất đáng kể cho cây cà phê ở Brazil đã trôi qua 24 năm, vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1994. Theo truyền thống, sương giá sẽ xuất hiện khi thời tiết hanh khô vào ngày rằm trăng tròn mùa đông, từ tháng 6 đến tháng 8 ở phía Nam bán cầu.
Báo cáo từ Sàn New York cho biết, tính đến thứ Ba ngày 17/7 tồn kho cà phê Arabica được sở giao dịch hàng hóa New York cấp chứng nhận "C" ở mức 123.048 tấn (tương đương 2.050.801 bao), chưa tính số đang chờ để được phân loại.
Báo cáo từ sàn London cho biết, tính đến thứ Hai ngày 16/7, tồn kho cà phê Robusta được sàn chứng nhận và theo dõi cấp phát ở mức 66.390 tấn (tương đương 1.106.500 bao, bao 60 kg). Tuy nhiên, mức tồn kho này chỉ đủ cho thị trường châu Âu tiêu thụ trong vòng 1 tuần lễ.
Trong khi đó, thị trường cà phê nội địa Việt Nam vẫn không thấy giao dịch nào do mức giá quá thấp.