Về thôn Kon Vơng Kia 2, xã Đăk Long (huyện Kon Plông), chúng tôi thấy cây cà phê xứ lạnh quả chín đỏ khắp vườn đồi. Thấy có các nhà báo đến, anh A Hùng - chủ nhân vườn cà phê không giấu niềm vui nói: Năm 2014, gia đình được Nhà nước hỗ trợ trồng 2 sào cây cà phê chè xứ lạnh giống TN1. Phù hợp với khí hậu địa phương, sinh trưởng tốt nên so với cây cà phê chè catimor, cây cà phê chè TN1 sai quả và quả to hơn. Dự kiến năm nay, gia đình thu khoảng hơn 4 tấn cà phê, năng suất ước đạt khoảng 20 tấn/ha.
Ở thôn Tu Cần (xã Hiếu), chúng tôi đến các vườn cà phê catimor được Đề án hỗ trợ cũng khá sai quả. Anh A Chân - chủ vườn cà phê khoe: Năm 2014, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trồng 3 sào cà phê chè catimor. Với diện tích trên, năm nay, gia đình dự thu khoảng 5 tấn cà phê tươi, tăng 2 tấn so với năm 2016. Tính ra, vườn cà phê A Chân đạt ước khoảng 16 tấn/ha.
Vườn cà phê TN1 ở xã Đăk Long. Ảnh: V.N
“Cà phê chè xứ lạnh phù hợp với khí hậu địa phương. Nếu được Nhà nước hỗ trợ trồng thêm vài sào cà phê nữa, trong những năm đến, gia đình tôi chắc chắn sẽ thoát nghèo”- A Chân quả quyết.
Ở xã Hiếu, các vườn cà phê xứ lạnh của gia đình A Chiêng, A Mua (thôn Vi Chring), A Tép, A Thúc (thôn Tu Cần)… cho quả cũng không thua kém vườn cà phê của A Chân. Cà phê xứ lạnh ở đây được mùa, bà con ai nấy đều phấn chấn.
Không chỉ được mùa, người dân trồng cà phê xứ lạnh Kon Plông thêm vui vì được giá hơn năm ngoái. Anh A Hùng ở xã Đăk Long cho biết, năm nay, doanh nghiệp vào đặt mua 7,2 nghìn đồng/kg cà phê tươi, tăng hơn 2 nghìn đồng/kg so với năm ngoái.
Chia sẻ niềm vui với người dân, ông Đỗ Bá Công - cán bộ phụ trách địa chính, nông nghiệp xã Đăk Long khẳng định: Cây cà phê xứ lạnh, đặc biệt là cây cà phê chè TN1 có nhiều ưu thế và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Cà phê được giá, được mùa, người dân rất phấn khởi. Bà con ai cũng mong được huyện, tỉnh tiếp tục hỗ trợ để phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh trong những năm đến.
Nói về giá cả, ông Trương Ngọc Tuyền - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Rút kinh nghiệm từ năm trước người dân bị ép giá, năm nay, UBND huyện làm việc với một số doanh nghiệp triển khai phương án thu mua cà phê và chỉ đạo các xã thành lập các tổ hợp tác cà phê để hạn chế hái cà phê xanh, nâng cao chất lượng cà phê. Thông qua các tổ hợp tác ở các thôn, các doanh nghiệp thu mua cà phê với giá từ 7,2-7,8 nghìn đồng/kg quả cà phê tươi (tùy theo tỷ lệ quả chín và chất lượng quả). Hai doanh nghiệp thu mua cà phê cho dân trên địa bàn là Công ty TNHH XNK Cao Nguyên và Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng.
Phấn chấn trước cây cà phê xứ lạnh và theo nguyện vọng người dân, ông Tuyền đề nghị tỉnh tiếp tục gia hạn thực hiện Đề án để góp phần giúp cho nhiều người nghèo nâng cao đời sống và thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Khảo sát các vườn cà phê xứ lạnh và vui cùng niềm vui người dân, ông Đoàn Năng Rường-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị được tỉnh giao hỗ trợ cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng khuyến nông các cấp và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả cây cà phê xứ lạnh.
Ông Rường nhấn mạnh, năm 2018 là năm cuối cùng hỗ trợ cho dân trồng mới cà phê theo Đề án. Trung tâm đề nghị huyện Kon Plông cũng như huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cùng với tỉnh hỗ trợ cho dân thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch Đề án đề ra.