Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8/2018, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước giảm theo giá cà phê thế giới. So với cuối tháng 7/2018, giá cà phê Robusta trong nước giảm từ 4,8 – 5,7%.
Cụ thể, ngày 29/8/2018, cà phê Robusta có mức giá thấp nhất 33.200 VNĐ/kg tại huyện Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỉnh Đắk Nông và tỉnh Kon Tum; mức cao nhất 33.500 VNĐ/kg tại huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai. Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 34.500 VNĐ/kg, giảm 5,2% so với ngày 31/7/2018.
Cục xuất nhập khẩu ước tính, xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam tháng 8/2018 đạt 135 nghìn tấn, trị giá 246 triệu USD, tăng 1,8% về lượng, nhưng giảm 1,1% về trị giá so với tháng 7/2018, so với tháng 8/2017 tăng 40,4% về lượng và tăng 9,4% về trị giá. Lũy kế 8 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,307 triệu tấn, trị giá 2,498 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 8/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê của Việt Nam ước đạt mức 1.822 USD/tấn, giảm 3,1% so với tháng 7/2018 và giảm 22,1% so với tháng 8/2017. Lũy kế 8 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt khoảng 1.911 USD/tấn, giảm 15,6% so với 8 tháng năm 2017.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2018, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm cả về lượng và trị giá so với tháng 6/2018, nhưng tăng so với tháng 7/2017. Tính chung 7 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam đạt 989 nghìn tấn, trị giá 1,75 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 8/2018, thị trường cà phê toàn cầu vẫn chịu sức ép giảm giá do áp lực dư cung, cầu thấp và căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang khiến thị trường giao dịch hàng hóa nông sản diễn ra ảm đạm.
Đàm phán giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng gặp bế tắc. Thị trường giao dịch hàng nông sản rơi vào tình trạng ảm đạm do lo ngại đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, đồng nghĩa với giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, đồng Real Brasil hồi phục so với đồng USD cũng hỗ trợ giá cà phê Brasil, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước bán ra, gây áp lực dư cung lên thị trường cà phê toàn cầu.