Bộ Công Thương cho biết, thị trường cà phê Việt Nam diễn ra khá trầm lắng do nguồn hàng trong dân không còn nhiều, và các thương nhân xuất khẩu chủ yếu thực hiện các hợp đồng giao sau.
Những ngày đầu tháng 8/2018, giá cà phê nhân xô tại thị trường trong nước tiếp tục giảm từ 0,3 – 1,4% so với ngày 31/7/2018 và giảm từ 1,1 – 2,3% so với cùng kỳ tháng 7/2018. Ngày 10/8/2018, cà phê Robusta có mức giá thấp nhất 34.400 VNĐ/kg tại tỉnh Lâm Đồng, mức cao nhất 35.100 VNĐ/kg tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 36.400 VNĐ/kg, ổn định so với ngày 31/7/2018, nhưng giảm 1,9% so với cùng kỳ tháng 7/2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 7/2018 đạt 132,8 nghìn tấn, trị giá 249,56 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với tháng 6/2018, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 27,5% về lượng và tăng 2,8% về trị giá. Lũy kế 7 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,171 triệu tấn, trị giá 2,251 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng, nhưng giảm 4,3% về trị giá so với 7 tháng năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tháng 7/2018 ở mức 1.880 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 6/2018 và giảm 19,4% so với tháng 7/2017. Lũy kế 7 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê ở mức 1.921 USD/tấn, giảm 14,9% so với 7 tháng năm 2017.
Tháng 7/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tới các thị trường như Campuchia, Romania, Ba Lan tăng so với tháng 6/2018, lần lượt đạt 5.523 USD/tấn, 2.663 USD/ tấn, 2.314 USD/tấn. Ở chiều ngược lại, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản giảm.
Xuất khẩu cà phê sang Đức tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng 7/2017, đạt 19,7 nghìn tấn, trị giá trên 35 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê sang Mỹ tăng 2,0% về lượng, nhưng giảm 21,1% về trị giá, đạt 11,3 nghìn tấn, trị giá 20,5 triệu USD.
7 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê sang Thái Lan tăng 96,3% về lượng và tăng 57,3% về trị giá, đạt 34,5 nghìn tấn, trị giá gần 64,5 triệu USD.
Thị trường cà phê toàn cầu vẫn chịu áp lực dư cung do sản lượng cà phê niên vụ 2017/18 tăng và được dự báo tiếp tục tăng trong niên vụ 2018/19, trong khi báo cáo tồn kho ở mức an toàn.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 2017/18 của Việt Nam ước đạt 1,55 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016/17. Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng tại bốn tỉnh của khu vực Tây Nguyên, chiếm hơn 90% sản lượng cà phê của Việt Nam, sẽ tăng hơn 4% trong niên vụ 2018/19. Trong đó, sản lượng cà phê khu vực tỉnh Lâm Đồng dự báo đạt 477.000 tấn trong vụ 2018/19, tăng từ mức 454.000 tấn trong niên vụ 2017/18.