Giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng. Ảnh minh hoạ
Với kết quả trên, hình ảnh cá tra Việt Nam đang được Trung Quốc tin tưởng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ EU và Hoa Kỳ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi, nhưng giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng: năm 2016 là 17,8%, năm 2017 tăng đột biến chiếm khoảng 40%.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, năm 2017, diện tích nuôi mới cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 3.300ha (tăng 14%), diện tích thu hoạch là 3.415ha (tăng 7%), sản lượng đạt 1,06 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2016) với năng suất trung bình đạt 309 tấn/ha (so với năm 2016 là 313 tấn/ha).
Nắm bắt được tâm lý, một số vùng ở Trung Quốc, người dân muốn được giao lưu về kỹ thuật chế biến các món ăn liên quan đến cá tra, nên trong năm 2017, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tổ chức sự kiện Mekong Chef 2017 với chủ đề “Ngày hội ẩm thực cá tra Việt Nam và xúc tiến thương mại” giới thiệu, quảng bá sản phẩm cá tra của các doanh nghiệp với thị trường qua 30 món ăn được chế biến từ cá tra của các đầu bếp trong nước và quốc tế.
Lâu nay, da cá tra chủ yếu bán phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi. Mới đây, doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May ở Đồng Tháp được doanh nghiệp ở Singapore đề nghị mua da cá tra làm sản phẩm ăn liền (snack). Nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đặt hàng Cỏ May cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn.
Ngành cá tra ĐBSCL đang từng bước hoàn thiện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cùng với việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo ra chuỗi sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao là tiền đề vững chắc để mặt hàng cá tra vượt qua các “rào cản kỹ thuật”, xâm nhập các thị trường khó tính.
Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo thực hiện tốt các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng.
Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Người dân và doanh nghiệp ĐBSCL hy vọng với những giải pháp nêu trên, mặt hàng xuất khẩu chiến lược này tiếp tục phát triển bền vững để bà con ổn định sản xuất và đời sống, tránh tình trạng bấp bênh như vừa qua.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường Trung Quốc vươn lên đứng đầu, thứ hai là thị trường Hoa Kỳ…