Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 3 tháng đầu năm, giá cá tra liên tục tăng, thậm chí chạm đỉnh nhiều năm trên 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu xuất khẩu tăng trong khi nguồn cung cá tới lứa thu hoạch khan hiếm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra tháng 3 ước đạt 165 triệu USD, tăng 16%. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này quý I ước đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 42%, vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Việc giá cá tra tăng kích thích nông dân mở rộng sản xuất, tăng sản lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích nuôi cá tra công nghiệp quý I ước tính đạt 3.900 ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 3 tháng năm 2018 ước đạt 230.000 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như An Giang đạt 73.300 tấn, tăng 3%; Đồng Tháp 78.400 tấn, tăng 7%; Vĩnh Long 13.200 tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Không chỉ thiếu nguồn cung cá nguyên liệu, cá tra giống cũng khan hiếm khiến giá tăng mạnh. Nếu như trước Tết giá cá tra giống loại 30 con/kg khoảng 50.000 đồng/kg thì sau Tết mức giá đã được đẩy lên 60.000 đồng/kg, có nơi thậm chí 70.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp kêu khó bài toán “làm không lãi”
Trong khi người nuôi cá tra vui mừng khi giá cá tra liên tục tăng, các doanh nghiệp chế biến thủy sản lại đang kêu khó khi chi phí đầu vào tăng, VASEP cho hay.
Một số doanh nghiệp cho biết, mùa Tết vừa qua, doanh số đạt mức thấp so với mọi năm. Do đó, năm 2018 được coi sẽ là năm đầy khó khăn đối với các các công ty này khi chi phí đầu vào như nguyên liệu, điện, nước, lương tối thiểu đồng loạt tăng.
Ảnh: VOV
Đề cập đến giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp cho biết, nếu giữa năm 2017, giá cá tra nguyên liệu dao động 24.000- 25.000 đồng/kg thì tới cuối năm giá cá đã tăng 25% lên 29.000- 30.000 đồng/kg. Không dừng ở mức đó, giá cá đầu vào tiếp tục tăng lên mức 32.000- 32.500 đồng/kg vào cuối tháng 3/2018. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, giá cá tăng gần 35%. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng, thậm chí khan hiếm vì vậy để thương lượng với các kênh phân phối không dễ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải "gánh" thêm nhiều khoản chi phí khác cũng tăng từ tỷ giá, lãi suất, giá điện, giá nước, chi phí logistics, cước vận tải... cho đến cả đề xuất về tăng tiền lương tối thiểu vùng theo năm.
Mức lương tối thiểu được đề xuất tăng hàng năm ở mức cao (năm 2018 tăng 6,5% so với 2017). Điều này càng khiến chi phí sản xuất tăng nhất là đối với ngành sử dụng nhiều lao động như thủy sản. Thậm chí, lương nhân công chiếm tới 70% giá gia công sản phẩm.
Với tình hình hiện nay khi mọi chi phí đầu vào đều tăng, trong khi giá nhập từ các kênh phân phối siêu thị không đổi, doanh nghiệp hầu như làm ăn không hiệu quả. Chưa kể tới việc một số doanh nghiệp muốn “giữ chân” tại các siêu thị thì buộc phải việc tăng chiết khấu.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường Mỹ, Nhật Bản và Ả-rập Xê-út tiếp tục là thách thức lớn. Theo đó,Ả-rập Xê-út và Nhật Bản vừa ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Trong khi đó, việc Mỹ áp mức thuế cao từ3,87 USD/kg đến 7,74 USD/kg tiếp tục khiến các doanh nghiệp hoang mang. VASEP và Bộ Công Thương đã lên tiếng phản đối lệnh thuế trên.
Mặc dù Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong quý I, tuy nhiên, thị trường này tiềm ẩn một số rủi ro khi việc kiểm soát chất lượng không đồng bộ ở cả đường biển và đường bộ. Giá cá tra xuất khẩu qua 2 phương thức này cũng chênh lệch, dẫn đến sự canh tranh không công bằng và gây bất ổn định về nguồn nguyên liệu xuất khẩu.