Xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngoạn mục tới 26,4% và đạt kim ngạch 2 , 26 tỉ USD trong năm 2018 , cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, ngành này đang đối diện với nhiều rủi ro mới, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc (TQ).
Doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi
Cá tra xuất khẩu Việt Nam (VN) đã vượt qua nhiều rào cản, quy định khó khăn của các thị trường khắt khe về chất lượng như Mỹ, châu Âu. Điều này đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra VN.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu cá tra sang TQ hiện nay gặp nhiều khó khăn vì rào cản về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Ví dụ, trong khi quy định dư lượng phosphat trong cá tra của châu Âu là không vượt quá 4% nhưng phía TQ khi kiểm tra sản phẩm cá tra VN lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ.
Bên cạnh đó, theo VASEP, hiện nhiều công ty của TQ lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để thu mua nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào cảng Hải Phòng. Sau đó vận chuyển đường bộ sang TQ theo chính sách hàng tiểu ngạch để lách thuế nhập khẩu và biến thành nguồn tôm, cá của TQ xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, EU.
“Với chiêu thức trên, thương nhân TQ cạnh tranh thu mua nguồn nguyên liệu cá tra với nhà kinh doanh VN ngay trên sân nhà, đồng thời cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu khác” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho rằng hiện nay TQ không kiểm soát chặt chất lượng đối với các mặt hàng nhập đường tiểu ngạch. Hơn nữa, mặt hàng cá tra xuất qua đường biên mậu với TQ không phải chịu 17% thuế giá trị gia tăng.
“Điều này tạo cơ hội cho các nhà kinh doanh nước này tung hoành thu gom nguyên liệu thủy sản như cá tra từ VN với giá rẻ về chế biến xuất khẩu, dẫn đến phá giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch qua đường biển của VN” - ông Đạo cảnh báo.
Đáng chú ý, TQ đang phát triển nuôi loại cá này với quy mô sản lượng lớn. Cụ thể, TQ có thể sản xuất tới 30.000 tấn cá tra trong năm 2018 và giá cạnh tranh hơn so với các sản phẩm từ VN.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng trưởng nóng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: GT
Nguy cơ bất ổn vì tăng trưởng quá nóng
Nhiều ý kiến có chung nhận định rằng xuất khẩu cá tra sang thị trường TQ còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng, thuận lợi về giao thương. Tuy vậy, thị trường TQ đang tăng trưởng quá nóng, ẩn chứa nhiều bất ổn, rủi ro như nguy cơ phá giá.
Do vậy, để giúp ngành cá tra phát triển bền vững, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay đơn vị này đã đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Công Thương có đánh giá, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh chính sách kiểm soát tốt hơn hàng tạm nhập tái xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất xuất khẩu của VN. Đồng thời, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu cá tra, thủy hải sản qua đường tiểu ngạch.
“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN&PTNT áp dụng quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu sang nước này; kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu qua biên giới” - ông Hòe cho biết thêm.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, ông Dương Nghĩa Quốc, bày tỏ lo ngại khi xuất khẩu cá tra sang TQ theo đường tiểu ngạch đang chiếm đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, giá xuất khẩu giữa đường chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch khá lớn, lên đến 1 USD/kg làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp VN.
Đó là chưa kể các công ty TQ nhập khẩu với giá rẻ, sau đó chế biến sản phẩm dưới tên gọi khác, ảnh hưởng đến uy tín cá tra VN. Do vậy, ông Quốc cho rằng để ổn định lâu dài, các doanh nghiệp Việt cần đi theo hướng xuất khẩu chính ngạch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng để tránh rủi ro.
Bất thường giá cá tra
Thời gian qua, giá cá tra thương phẩm có lúc "lên đồng" với mức giá tới 36.000-37.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Nhưng trong tháng cuối năm 2018, giá cá tra đã giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn 26.000-27.000 đồng/kg.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, nhìn nhận việc tăng, giảm của thị trường là bình thường nhưng tăng, giảm kiểu trên là bất thường; có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, hiện tượng mua hàng giá thấp rồi bán phá giá qua đường tiểu ngạch với TQ.
Đại diện Hiệp hội Cá tra VN cũng cho biết: Năm 2018, giá cá tra nguyên liệu ở mức cao khiến nhiều địa phương, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười… đổ xô đào ao thả cá. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT và các hiệp hội đã khuyến cáo nguy cơ cung vượt cầu khi cá tra lao dốc, nhất là thời điểm xuất khẩu sang thị trường TQ tăng nóng, khi gặp đợt sập giá sẽ khiến người nuôi thua lỗ.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), VN vẫn là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới với thị phần chiếm 93%. Hiện nay Mỹ đã vượt qua TQ, trở lại là thị trường tiêu thụ cá tra VN lớn nhất. Cụ thể ở thị trường Mỹ, VN chiếm thị phần cá da trơn đến 91%, TQ chiếm thị phần 9%.