Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2018, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long giữ ở mức cao do nguồn cung vẫn ở mức hạn chế. Giá dao động ở mức 27.000 – 29.000 đ/kg tùy theo chất lượng, kích cỡ và phương thức thanh toán.
Sang tháng 2/2018, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục duy trì ở mức cao, nguồn cung thấp. Giá dao động ở mức 27.000 - 29.000 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán. Có nơi giá được đẩy lên đến 29.000 - 32.000 đ/kg như tại An Giang. Vào những ngày sát dịp Tết Nguyên đán, các nhà máy chế biến tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…đã tạm ngưng nhập cá mới, tập trung giải quyết các đơn hàng còn lại trước dịp Tết. Hiện các nhà máy đang bắt đầu thu mua trở lại.
Thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 3/2018 tiếp tục nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá thiết lập mức đỉnh mới, trung bình dao động ở mức 28.000 – 30.000 đ/kg, có nơi giá được đẩy lên đến 31.000 - 32.500 đ/kg. Như vậy, mức giá cao này đã tăng cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá cá tra giống cũng đã tăng gấp 2 - 3 lần, dao động ở mức từ 70.000 - 80.000 đ/kg tùy loại do nguồn cung khan hiếm.
Tính đến cuối tháng 4/2018, giá cá tra nguyên liệu loại 1 đã tăng lên mức 33.500 đồng/kg. Đây là mức giá tăng cao kỷ lục chưa từng xảy ra từ trước đến nay.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng, tại một số thị trường nhập khẩu lớn tại Châu Mỹ, giá cá tra trung bình xuất khẩu tăng đột biến khiến khách hàng khó chấp nhận và bị cạnh tranh gay gắt hơn với các sản phẩm cá thịt trắng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hai thị trường lớn là Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cao kỷ lục và EU đang giơ thẻ vàng đối với Việt Nam, việc xuất khẩu cá tra sẽ càng gặp thêm nhiều khó khăn hơn nữa.