Theo báo cáo về thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48,500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).
VARS cho biết, trong năm 2022, thị trường bất động sản rất hiếm các dự án mới. Trong số lượng hiếm hoi các dự án được phê duyệt, không thấy sự xuất hiện của dự án nhà ở, chỉ có phê duyệt các dự án về dịch vụ. Do vậy, thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân. Nguồn cung căn hộ cao cấp tăng mạnh qua các năm trong khi nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân giảm lần lượt 90% và 79% so với năm 2019.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường địa ốc 2023 sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài, song cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. Dự kiến, khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.
“Thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn này hoàn toàn không lặp lại chu kỳ khủng hoảng giai đoạn năm 2012. Hiện nay, phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh, cùng với đó nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh bất động sản lại rất cao. Đây là những yếu tố tạo nên động lực rất lớn cho khả năng hồi phục của thị trường bất động sản”, ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng chỉ cần gỡ những vướng mắc mà thị trường đang gặp phải gồm pháp lý, điểm nghẽn về vốn, củng cố niềm tin… thị trường chắc chắn sẽ cân bằng trở lại. Tất nhiên bên cạnh những giải pháp khơi thông, nhà nước vẫn phải đi kèm với các chính sách kiểm soát cần thiết để đảm bảo thị trường phát triển nhưng không “nóng”, phát triển một cách hiệu quả, bền vững.
Chủ tịch VARS dự báo, quỹ đất khu vực nội đô tại hai thành phố lớn ngày càng khan hiếm. Cùng với những thay đổi trong quy hoạch, chính sách chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa khiến nguồn cung các dự án nhà ở thương mại, căn hộ trung và cao cấp tại khu vực này càng hiếm. Quỹ đất thu hẹp đồng nghĩa với việc chỉ một vài dự án bất động sản cao cấp được phát triển.
Chính sự khan hiếm quỹ đất nội đô và việc hạ tầng giao thông được cải thiện là các yếu tố dự báo sẽ có nhiều khu đô thị và đại đô thị được phát triển ở khu vực vùng ven Hà Nội và TP. HCM trong vòng 3 năm tới, nhất là khi các tuyến đường vành đai đang tích cực được triển khai.
Ông Đính cho rằng, trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở chung cư của người dân vẫn rất cao thì giá chung cư rất khó hạ, nhất là trong bối cảnh nguồn cung dự án khan hiếm hiện nay. Hơn nữa, tâm lý của người dân trong bối cảnh lạm phát cũng có xu hướng đổ tiền vào bất động sản như một kênh tích trữ an toàn. Đáng chú ý, giá chung cư khu vực ngoại thành sẽ còn tăng hơn khu vực trung tâm vì giá đất ngoại thành tăng lên nhanh.
Ngoài yếu tố giá cả, theo vị chuyên gia, còn nhiều tiện ích hấp dẫn khác khiến người dân lựa chọn chung cư như đầy đủ các dịch vụ cộng đồng, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, liên kết vùng thuận tiện di chuyển, dự án gắn liền với phát triển xanh, bền vững...
“Đất mua đắt quá thì phải chuyển hướng sang chung cư, đó là điều tất yếu. Hơn nữa, chung cư vẫn là phân khúc đáp ứng được nhu cầu ở thật của người dân. Từ nay đến cuối năm, thị trường căn hộ chung cư có thể tăng giá thêm 10-20%”, ông Đính dự báo.
Thực tế, lực cầu trên thị trường hiện nay vẫn rất lớn, nhất là các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực. Trong bối cảnh những vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ, thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung nhà ở. Cùng với các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, nhân công, máy móc,... vẫn có xu hướng tăng sẽ kéo theo giá nhà ở tiếp tục đi lên, đặc biệt ở phân khúc bình dân và trung cấp.