Gần cuối tháng 2, Bộ Xây dựng mới công bố báo cáo về thị trường bất động sản quý IV/2019 và cả năm 2019.
Nhận định về giá bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM trong năm 2019, Bộ này cho rằng có biến động, tuy nhiên mức độ biến động không lớn.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,54% so với năm 2018. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,01%. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 3,52%, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 8,99% so với năm 2018.
Như vậy, tốc độ tăng giá chung cư tại TP.HCM nhanh hơn Hà Nội tới 7 lần. Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ nhanh hơn gần 3 lần.
Giá bất động sản càng tăng cao người mua càng khó tiếp cận cơ hội để mua nhà (Ảnh: Lê Anh Dũng). |
Cũng theo Bộ Xây dựng, tổng hợp từ 37/63 địa phương có báo cáo trên cả nước, năm 2019 có 335 dự án phát triển nhà ở được cấp phép với quy mô 175.801 căn hộ; 561 dự án với 273.951 căn hộ đang triển khai xây dựng; 186 dự án với 66.155 căn hộ hoàn thành.
Về nguồn cung, tổng hợp từ 36/63 UBND có báo cáo, trong năm 2019 có 203 dự án với 85.612 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện.
Trong đó, tại Hà Nội có 61 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 31.184 căn hộ chung cư và 1.963 căn nhà ở thấp tầng. Còn ở TP.HCM có 47 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 23.485 căn hộ chung cư, 883 căn nhà thấp tầng và 436 căn biệt thự.
Trước đó, một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng trên đều có nhu cầu căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm. Nhưng họ lại đang gặp nhiều rào cản để tiếp cận nhà ở, nguyên nhân chính là do hệ thống chính sách nhà ở xã hội chưa đầy đủ, chưa sát thực tế; Nguồn cung các sản phẩm nhà ở xã hội quá ít, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội; Giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân, trong khi các nước phát triển chỉ ở mức từ 5-7 lần.
Ghi nhận thị trường cho thấy giá nhà đất tại TP.HCM tăng liên tục trong 5 năm qua. Vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Đất nền còn tăng chóng mặt hơn, giá đất một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây 5 năm.
Căn hộ dưới 1 tỷ đồng gần như tuyệt chủng hoàn toàn. Con số thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho thấy cho thấy, hiện căn hộ giá bình dân gần như về con số 0. Năm 2018, thống kê tỷ lệ nhà giá rẻ 400 đến 500 triệu còn 2% nhưng bước sang năm 2019 thì phân khúc này gần như “tuyệt chủng”. Một căn hộ 55m2 cũng có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỉ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2019, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, đây cũng là năm là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
“Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời” – ông Châu nói.
Trong khi đó, nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA cho rằng, cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời khi những dự án bất động sản mới có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm. Càng ngày giá bất động sản càng tăng cao, người mua ngày càng phải đi xa và càng khó tiếp cận cơ hội để mua nhà.