HĐQT Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa công bố Nghị quyết về việc chuyển nhượng vốn góp thuộc sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương. Theo đó, Công ty sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại đơn vị này cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (THADI).
Về Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương, đây công ty con do HAGL Agrico sở hữu 100% vốn điều lệ với 1.465 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2018). Thương vụ mua vào đơn vị này năm 2016 của bầu Đức gây xôn xao dư luận, khi chỉ chưa đầy 2 tuần nhận về 1.652 tỷ đồng từ việc chào bán 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Đầu tư cao su Cường Thịnh (27,5 triệu cổ phiếu) và Đầu tư Cao su An Thịnh (31,5 triệu cổ phiếu), HAGL Agrico liền chi để sở hữu Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương.
Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương hoạt động chính trong lĩnh vực trồng cây cao su và chế biến các sản phẩm từ cao su, trồng rừng và chăm sóc rừng, xây dựng nhà, công trình dân dụng, buôn bán may móc thiết bị và phụ tùng khác, vận tải hàng hóa.
Việc chuyển nhượng diễn ra trong bối cảnh giá cao su liên tục phá đỉnh. Chi tiết, từ cuối năm 2018 giá cao su quay đầu và hiện đang trong xu hướng tăng khá mạnh, hiện đạt đỉnh 8 tháng tại mức 236 JPY/kg, tăng 27% tính từ đầu năm 2019. Những nguyên nhân khiến giá cao su thiên nhiên tăng mạnh trong thời gian qua có kể kể tới: (1) giá dầu tăng trong mấy tháng đầu năm - mức tăng tới 35%, (2) một số nước sản xuất cao su chủ chốt kiềm chế sản lượng, (3) thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới sản lượng và tồn trữ cao su, nhất là cơn bão nhiệt đới ở Thái Lan, mùa Đông đến sớm ở một số nước Đông Nam Á và hạn hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)…
Trở lại với HAGL Agrico, ghi nhận tại BCTN 2018, về mảng cao su, HAGL đã và đang duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi.
Liên quan đến THADI, Công ty vừa thông qua nghị quyết về việc bầu ông Đỗ Xuân Diện – Chủ tịch THADI - làm Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách mảng chiến lược, bắt đầu từ ngày 14/5/2019. Ông Diện hiện cũng là Thành viên HĐQT THACO. Được biết, THADI là đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp của THACO, chuyên nghiên cứu phát triển, nông trường mẫu, sản xuất vật tư nông nghiệp, nhà máy chế biến trái cây; phân phối và xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài.