Giám đốc điều hành của công ty Thái Lan, Sri Trang (SET - một trong những công ty hàng đầu trong ngành cao su thiên nhiên chiếm 10% sản lượng tiêu thụ thế giới về cao su thiên nhiên là 8% thị phần về tiêu thụ găng tay toàn cầu), ông Veerasith Sinchareonkul nhận định: "Những yếu tố thúc đẩy giá cao su tự nhiên tăng lên là nền kinh tế nói chung, và ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc nói riêng, đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới". STA dự kiến sẽ bán được hơn 1,2 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, tương đương trung bình 300.000 tấn/quý, tăng khoảng 16% so với 1,03 triệu tấn năm ngoái.
Trên thị trường thế giới, giá cao su khối trung bình tháng 2/2021 đạt trên 160 US cent/kg, cao hơn 22% so với mức trung bình 131 US cent của năm 2020. Sang tháng 3, thị trường tiếp tục khả quan, giá cao su trên sàn Osaka – tham chiếu cho toàn thị trường Châu Á – đã tăng liên tiếp trong 5 phiên vừa qua, kết thúc ngày 10/3 tăng 0,3 JPY so với phiên trước, lên 273,1 JPY (2,5 USD)/kg (hợp đồng kỳ hạn tháng 8). Cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải phiên 10/3 cũng tăng 165 CNY lên 15.320 CNY (2.355 USD)/tấn. Cao su kỳ hạn tháng 4 trên sàn Singapore tăng 1,5% lên 176 US cent/lb.
Tại các nước sản xuất khác, giá cao su khối SMR-20 (Malaysia) và STR-20 (Thái Lan) trung bình đã ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 6,1% và 4,7% trong tháng 2 vừa qua. Còn trên thị trường cao su tấm Thái Lan, cao su RSS-3 giao dịch tại Bangkok cũng tăng 3,6% lên 2,25 USD/kg; cao su RSS-4 giao dịch tại thị trường Kottayam trung bình tăng tương tự lên mức 2,14 USD/kg vào tháng 2/2021.
STA dự đoán giá cao su tự nhiên trong quý I/2021 sẽ tăng mạnh, trung bình cao hơn từ 5 đến 10% so với mức 148 US cent của quý IV/2020. Sang quý II/2021, nhu cầu dự báo sẽ vẫn tăng đều. Qua đó, nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ tăng 7% so với năm ngoái, lên 13,4 triệu tấn.
Trong khi nhu cầu hồi phục mạnh thì sản lượng cao su thiên nhiên năm nay có nguy cơ giảm sâu.
Thị trường tiêu thụ cao su đang trở nên sôi động. Tuy nhiên, hầu hết các nước sản xuất cao su đang trong mùa Đông, khi cây cao su rụng lá và cho sản lượng mủ thấp (kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5).
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) trong ấn phẩm phát hành tháng 2/2021 cho biết, dựa trên các ước tính sơ bộ, sản xuất cao su tự nhiên thế giới tháng 2/2021 có khả năng giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 897.000 tấn. Trong khi đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 2 vừa qua được ANRPC ước tính là tăng 47,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 1,103 triệu tấn.
Kinh tế toàn cầu đang ngày càng phát đi những tín hiệu hồi phục, nhất là những dữ liệu kinh tế tích cực đến từ Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh có nhiều sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy đang kể các hoạt động kinh tế, chẳng hạn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang xem xét cấp hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số, còn Liên minh Châu Âu đề xuất cấp Thẻ xanh Kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho việc di chuyển an toàn trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về hiệu quả của vắc-xin Covid-19, khi mà các biến thể mới đang lây lan nhanh chóng ở Vương quốc Anh, Nam Phi và Brazil, cho thấy con đường dẫn tới việc thế giới có kháng thể miễn dịch còn rất gian nan.
Tham khảo: Nationthailand, Reuters