Số liệu Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, tính riêng nửa đầu tháng ba, trung bình mỗi tấn cao su nước ta xuất khẩu thu về khoảng 1.550 USD, tăng 10% so với giá xuất khẩu trung bình trong tháng 1 và cao hơn 140 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận của MXV, nguyên nhân chính khiến giá cao su neo cao trong thời gian gần đây xuất phát từ tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tình hình mưa lớn kéo dài kết hợp cùng cảnh báo bão và lũ lụt xảy ra tại Thái Lan - quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới khiến thị trường đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
Hơn thế, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 cùng là thời điểm thu hoạch thấp điểm tại các quốc gia Đông Nam Á. Kết hợp cùng việc chịu ảnh hưởng xấu từ thời tiết, càng khiến lo ngại về nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Còn Ấn Độ – quốc gia nhập khẩu cao su lớn hàng đầu thế giới đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm.
Theo nhận định của MXV, trên thị trường nội địa, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn do lo ngại nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc khi gần 80% cao su nước ta xuất đi quốc gia này. Dự kiến, giá cao su xuất khẩu tại Việt Nam có thể về dưới mức 1.500 USD/ tấn, tuy giảm nhẹ so với thời điểm hiện tại nhưng vẫn là mức cao so với năm trước.
Dữ liệu thống kê Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của 10 doanh nghiệp cao su niêm yết cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.961,4 tỷ đồng, tăng trung bình 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của 10 doanh nghiệp niêm yết ở mức 1.219,7 tỷ đồng, giảm bình quân 17% so với cùng kỳ, cụ thể: 6 doanh nghiệp tăng trưởng dương và 4 doanh nghiệp giảm lãi. Đáng chú ý, dữ liệu thống kê không ghi nhận doanh nghiệp nào báo lỗ.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HoSE: GVR) là doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong nhóm doanh nghiệp thống kê. Trong quý I/2024, Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 4.585,4 tỷ đồng, lãi trước thuế 778,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Cao su Việt Nam giải trình lợi nhuận suy giảm do "thất thu" khoản tiền bồi thường đất, trả đất về địa phương so với kỳ trước. Còn doanh thu thuần sản xuất và kinh doanh mủ cao su vẫn ghi nhận ghi nhận tăng trưởng 16% lên 3.390,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu thuần của CTCP Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) ở mức 284,7 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế 154 tỷ đồng, tăng 79% nhờ tiết giảm chi phí và giá bán cao su tăng hơn 5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ.
Theo sau Cao su Tân Biên là CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) báo lãi 90,3 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ do không ghi nhận khoản thu do đền bù, hỗ trợ thiệt hại do thực hiện dự án KCN Việt Nam - Singapore III khi bàn giao đất để thực hiện dự án.
Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp thống kê, CTCP Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) và CTCP Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) là hai doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt tăng 489% và tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu tại BCTC hợp nhất quý I cho thấy, Cao su Tây Ninh báo lãi 16,5 tỷ đồng, tăng 489% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ khoản đóng góp của Công ty Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (công ty con do TRC sở hữu 100% vốn). Còn Cao su Đà Nẵng kỳ này báo lãi hơn 58 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ nhờ giá đầu vào giảm so với cùng kỳ và tỷ giá ngoại tệ tăng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý I, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Không chỉ vậy, sản lượng cao su từ hai quốc gia sản xuất chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% lượng cao su toàn cầu) giảm do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất lốp xe bùng nổ tại Trung Quốc đã hỗ trợ đẩy nhu cầu cao su trong năm 2023 tăng mạnh. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt cao su trên phạm vi toàn cầu trầm trọng hơn do tăng trưởng về sản xuất và tiêu thụ không đồng đều.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia giảm 5,1%, Trung Quốc tăng 6,9%, trong khi Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam tăng 2,9%, Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3%.
Bên cạnh đó, tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ tăng 3% lên 15,67 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 5,5%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1%, Malaysia tăng 45,4%, Việt Nam tăng 6%, còn lại các nước khác giảm 3,8%.
Về tiêu thụ, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Trong đó, dự báo Việt Nam tăng 6% so với năm 2023
Theo đánh giá của Chứng khoán FPTS, ngành cao su tự nhiên đang dần bước vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung do bị ảnh hưởng bởi yếu tố: diện tích cao su chưa đi vào khai thác ở mức thấp, diện tích cao su trồng mới giảm dần; hiện tượng El Nino cực đoan ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch và xu hướng nhân công bỏ cạo mủ cao su và chuyển sang nghề khác ngày càng rõ rệt.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức trên thị trường quốc tế, nhu cầu Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết, thị trường, giá cao su sẽ biến động khó lường. Hiện giá cao su thiên nhiên đang tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cùng với sản lượng kém ở Thái Lan và Indonesia. Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.