Theo quan niệm dân gian, tuy nằm cuối trong bộ tứ cây mang vận khí tài lộc nhưng nó vẫn được nhiều đại gia săn đón. Cây ưa nắng, nhưng trong môi trường máy lạnh, thiếu sáng cây vẫn có thể sống được, vì thế có thể để trên bàn, hay trong phòng làm việc
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa (Kim Mã, Hà Nội) cho biết: “Sếp mình đang rất thích đặt một cây cần thăng trong phòng làm việc. Vì không mất nhiều công chăm mà lại mang nhiều ý nghĩa tích cực trong công việc. Chính vì bản thân cây luôn thể hiện nỗ lực không ngừng vươn tới, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để vươn lên, nên rất được lòng các sếp.”
Vòng thân của cây thuộc dạng khủng
Bộ rễ đã rất lâu năm và thích nghi được trong chậu
“Vừa rồi tại hội chợ sếp rất thích một cây cần thăng có dáng thế đúng gu, nhưng lại để tuột mất vì đến sau. Chủ vườn đã bán với giá hơn hơn 10.000 USD, tương đương khoảng hơn 220 triệu đồng. Tuy vẫn còn 1 – 2 trong hội chợ nhưng trót thích cây kia nên sếp mình cũng không muốn mua nữa”, anh Nghĩa cho biết thêm.
Một đại gia khác ở Hà Nội cũng đi cả chợ để tìm mua cây cần thăng về chơi, vị đại gia này chia sẻ: “Trước đây cũng có đọc báo thấy một cây cần thăng gần 50 tuổi cả trăm triệu không bán. Nhưng đến hội chợ mới thấy, cây 50 tuổi thực sự nó có vòng thân to, khủng thế nào.”
Chủ cây cần thăng rất tâm huyết với sản phẩm của mình
“Và tầng tán cũng không phải điều tạo nên giá trị của cây, cây phải có bộ gốc rễ hoành tráng, kì dị thì mới là điều cốt lõi. Tôi cũng khá thích một cây tại hội chợ, nhưng mới chỉ trả giá 100 triệu đồng, chủ vườn muốn thêm 20 triệu đồng nữa vì tiếc công chăm. Kì kèo mãi cũng chưa mua được, nên tôi đành chờ mấy ngày cuối xem sao rồi mới quyết định”, đại gia này cho biết thêm.
Tại hội chợ hiện nay, chủ vườn Hồ Tấn Hoàng vẫn còn 1 cây cần thăng được mang ra từ Tiền Giang có tuổi đời hơn 50 năm. Chia sẻ về sản phẩm tâm huyết gần chục năm này, anh Hoàng nói: “Lúc mua về, cây đã có giá hơn 60 triệu đồng. Lúc đó cây cao như cột điện, được trồng ngoài đất. Đưa vào chậu phải cưa đi rất nhiều, cưa cả đoạn thân bên trái để cân đối. Sau đó chăm sóc thêm 4 – 5 năm mới lên được một đoạn thân, mất thêm 3 năm nữa thì mới ra được khúc ngọn ưng ý.”
Để lên được khúc cây này phải mất 5 năm
“Muốn cho các khúc phình to thì phải cưa đi liên tục, để các chất dinh dưỡng tập trung vào phần thân dưới. Ngày qua ngày, cứ làm đi làm lại cho đến nay mới ra được sản phẩm mà đem bán. Nhưng điểm mấu chốt nhất vẫn là ở lúc mang cây từ ngoài đất vào trồng trong chậu”, anh Hoàng nói.
Nguyên do theo anh Hoàng là bởi: “Trồng từ ngoài đất nhưng đến khi mang vào trong chậu trồng thì có khi 10 cây chết cả 10. Bởi trồng trong đất, dinh dưỡng nhiều, cây có thể sống khỏe mạnh. Nhưng mang vào trồng trong chậu cảnh thì lại hoàn toàn khác, trong chậu tuy có đất và tưới thường xuyên nhưng vẫn là một môi trường khắc nghiệt, khô cằn. Vì thế, may mắn lắm mới có cây sống được, nên giá trị của chúng rất cao. Khi đã sống và phát triển được ở trong chậu thì cây cứ thế lớn và chơi bình thường.”
Lá cây cần thăng
“Trước đây, tôi cũng nhập mười mấy cây cần thăng về để trồng vào chậu, nhưng đều chết cả. Có người mua cây hơn trăm triệu đồng, đến lúc bứng (trồng) vào chậu cũng chết. May mắn mới được 1 cây, chăm sóc gần chục năm mới thành sản phẩm ưng ý. Cây chỉ cao 80 cm nhưng vòng thân gần 150 cm. Nhiều khách đi qua không khỏi ngạc nhiên vì lần đầu được thấy cây cần thăng to như vậy”, anh Hoàng cho biết thêm.
Vừa bón phân cho cây, anh Hoàng vừa nói: “Cây không cần chăm bón gì đặc biệt, nhưng nhiều người không biết lại bón nhiều loại phân, nhất là NPK, loại phân này sẽ làm thối rễ, dần dần cây sẽ chết, rất đáng tiếc.”
“Cây chỉ cần tưới nước hàng ngày, cắt tỉa cành lá là được. Nếu thích cho thân to ra thì phải cưa phần trên, để dinh dưỡng tập trung vào phần thân dưới, lâu dần tích tụ sẽ được như ý thích, nhưng cũng phải mất vài năm. Vì thế, chơi cây đòi hỏi người chủ phải dành tâm huyết và có sự kiên nhẫn”, chủ nhà vườn cho biết thêm.