Đó là bởi chính sách giãn cách/cách ly xã hội khiến hơn một nửa dân số thế giới phải ở yên trong nhà, làm cho nguồn cung chè trở nên khan hiếm, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với loại đồ uống giúp nâng cao khả năng miễn dịch này.
Theo nguồn tin Reuters, 5 quốc gia chiếm khoảng 82% tổng xuất khẩu chè toàn cầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka và Việt Nam. Những chính sách hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển trong mùa dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã làm gián đoạn việc thu hoạch chè đúng vào mùa hái lá chính. Sự gián đoạn này kéo dài khoảng một tháng đã khiến giá chè tăng đột biến.
Tại Trung Quốc – nước sản xuất số 1 thế giới, nhân lực thu hoạch chè giảm sút và thời tiết trong tháng vừa qua lạnh hơn mức bình thường dự kiến sẽ khiến sản lượng chè năm nay sụt giảm. Trong khi đó tại Ấn Độ - nước sản xuất chè lớn thứ 2 thế giới, và Sri Lanka, sản lượng năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt nhân lực lao động trong mùa thu hái lá và các vấn đề về thời tiết.
Chủ tịch Ủy ban Chè Ấn Độ, ông Prabhat Bezboruah, dự báo sản lượng chè nước này sẽ giảm 120 triệu kg (tương đương 9%) trong năm 2020 do chính sách phong tỏa toàn quốc. Chính sách phong tỏa này ban đầu khiến cho việc thu hoạch chè đầu vụ ở các nông trường bị gián đoạn kéo dài, sai đó gây ra tình trạng thiếu hụt một nửa số nhân lực lao động.
Theo thông tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ và các nhà môi giới, xuất khẩu chè Ấn Độ trong tháng 3/2020 đã giảm 34%, trong khi xuất khẩu của Sri Lanka giảm một nửa. Ủy ban Chè Quốc tế (ITC) dự báo xuất khẩu chè Ấn Độ năm 2020 sẽ giảm 7% so với năm trước đó.
Điểm sáng hiếm hoi là Kenya, nước xuất khẩu chè hàng đầu thế giới, nơi việc thu hoạch cũng bị gián đoạn vào kể từ tháng 3/2020 nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều. ITC dự báo sản lượng chè Kenya sẽ tăng 15% trong năm nay. Sản lượng của Việt Nam cũng được ITC dự báo sẽ hầu như không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu chè đã bắt đầu cảm nhận được tình trạng cạn kiệt dần nguồn cung từ khu vực Nam Á.
Giá chè thô – loại mà Nga thường nhập khẩu – hiện đã tăng 30% so với hồi giữa tháng 3/2020 – thời điểm trước khi nhiều nước tiến hành phong tỏa/giãn cách xã hội.
"Việc vận chuyển chè từ Ấn Độ đã bị trì hoãn trung bình khoảng 1 tháng, và từ các nước khác, nhất là Sri Lanka, cũng trong tình trạng tương tự", thương gia Orimi thuộc hãng chế biến chè hàng đầu của Nga cho biết.
Nguồn cung khan hiếm
Các nông trường chè ở Darjeeling Hills – được biết đến là nơi sản xuất loại chè đắt nhất thế giới – thời gian qua đã chật vật trong việc thu hoạch lá chè đầu vụ vì 1,3 tỷ người dân Ấn Độ bị cách ly ở nhà từ cuối tháng 3/2020 đến 3/5/2020 trong bối cảnh số ca dương tính với Covid-19 tăng nhanh ở quốc gia này.
Đợt thu hoạch thứ 2 có sản lượng ước tính cũng giảm hơn 10%, và những đợt thu hoạch tiếp theo chắc chắn sẽ không thể bù đắp được những tổn thất đó, theo nhận định của ông Kaushik Basu, Thư ký Hiệp hội Chè Darjeeling. Ở Ấn Độ, đợt thu hoạch thứ nhất thường bắt đầu vào tháng 3, đợt thứ 2 bắt đầu từ tháng 5.
Bà Nazrana Ahmed, Chủ tịch Hiệp Trồng Chè Assam (ATPA) cho biết, việc thiếu tài xế xe tải trong bối cảnh chính sách phong tỏa gây hạn chế đi lại cũng khiến cho việc chuyển chè đến các phiên đấu giá và các cảng biển bị chậm trễ. "Có rất ít xe tải chở hàng, khiến cho việc vận chuyển chè từ Asam (phía Đông Bắc Ấn Độ) tới Kolkata (phía Đông nước này) trước đây chỉ mất 3 ngày thì giờ lên đến 1 tuần", bà Ahmed cho biết.
Việc thiếu lao động cũng khiến cây chè phát triển quá mức, lá mọc um tùm, và điều này sẽ ảnh hưởng tới năng suất ở những đợt thu hoạch sau.
Những khó khăn trên đã khiến nguồn cung chè tươi ở Ấn Độ bị thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá tăng mạnh. Tại phiên đấu giá ở Assam – bang trồng chè lớn nhất Ấn Độ - vào cuối tháng 4/2020, khách hàng đã phải trả giá mua chè đắt thêm 1/3 so với phiên đấu giá trước đó.
Tại Sri Lanka, sản lượng chè đang giảm gần 1/4 tư do hạn hán trước đó, tiếp sau là Covid-19 đang gây ảnh hưởng tới xuất khẩu, theo ông Jayampathy Molligoda, Chủ tịch Ủy ban Chè nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường tiêu dùng chè hàng đầu thế giới tính theo trung bình đầu người. Nước này thường thường tự cung tự cấp chè, nhưng năm nay mọi thứ đã thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thiếu nhân lực lao động trong ngành sản xuất chè.
Các nhà sản xuất chè Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ thường thuê lao động nhập cư, chủ yếu từ các khu vực như Georgia và Azerbaijan, nhưng năm nay họ buộc phải sử dụng lao động địa phương – những người không có nhiều kinh nghiệm bằng lao động nhập cư, đó đó nguồn cung trong nước dự báo sẽ bị giảm sút.
Nhu cầu mạnh lên
Nguồn cung giảm đúng lúc nhu cầu thực phẩm và đồ uống trên toàn cầu gia tăng khi người dân thực hiện chính sách ở nhà để ngăn dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, trà đang nổi lên là đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất thế giới vì hàm lượng caffein thấp và có lợi cho sức khỏe.
Nhu cầu trà ở Nga đang tăng nhanh khi đồ uống này đã được mở rộng thành nhiều sản phẩm khác nhau, nhất là trà chanh. Là một nước nhập khẩu chè lớn trên thế giới, số ca nhiễm Covid-19 ở Nga hiện đang tăng rất nhanh, trở thành "điểm nóng" mới của thế giới, càng khiến nhu cầu chè gia tăng.
Tuy nhiên, ITC cho rằng cán cân cung – cầu sẽ chỉ bị gián đoạn trong ngắn hạn, và xu hướng giá tăng "nóng" sẽ không kéo dài bởi các nước xuất khẩu chè lớn còn dư cung khá nhiều từ năm 2019 khiến cho giá chè giảm trong suốt mấy năm qua.