Chứng quyền đang được giao dịch sôi động vượt kỳ vọng của các nhà tạo lập thị trường
Theo báo cáo của SSI Retail Research, CFPT1901 và CMWG1902 là hai mã có thanh khoản cao nhất, trong đó CFPT1901 tiếp tục tăng mạnh và đã tăng 200% so với giá chào bán mặc dù chứng quyền mới giao dịch sang phiên thứ 3. Mặc dù một số chứng quyền đã tiến vào vùng ITM (in the money, có lãi), tất cả các chứng quyền vẫn đang giao dịch ở mức khá cao so với định giá, gây rủi ro cho NĐT nắm giữ tới ngày đáo hạn. Độ biến động ngầm định đều ở mức khá cao trên 50%.
Tình trạng lãi lỗ của các chứng quyền hiện nay so với giá thực hiện
Hôm nay (3/7), các giao dịch của phiên IPO đã quay đủ một vòng và do đó áp lực chốt lời diễn ra tại một số CW đã tăng mạnh trước đó như CFPT1901 do VND phát hành (giảm 19,3%), CHPG1902 do KIS phát hành, giảm 8,8%) tuy nhiên so với giá IPO, CFPT1901 đã tăng gấp 3.
Phiên 2/7, theo thống kê của MBS đã có gần 3,2 triệu chứng quyền được chuyển nhượng thành công với giá trị khoảng 9,34 tỷ đồng. So với phiên hôm qua, khối lượng CW giảm nhẹ 3% trong khi giá trị giao dịch tăng 13,4%. Phiên này chỉ có 7 mã CW tăng giá so với 10 mã ở phiên hôm qua. Dần đầu đà tăng là: CFPT1901 (33,5%), CMBB1901 (14,1%) và CHPG1901 (9%),..
Dòng tiền tập trung ở các mã như: CFPT1901, CMWG1902, CMBB1901…Trong đó, CW CMBB1901 của SSI giao dịch hết sức sôi động khi khớp lệnh được hơn 387.000 đơn vị, chiếm 28,9% về thanh khoản toàn thị trường. Trong khi đó CW CFPT1901 của VND khớp được hơn 681.000 đơn vị nhưng do tỷ lệ chuyển đổi là 1:2 nên chiếm 25,4% về thanh khoản toàn thị trường, đứng thứ 3 CW CMBB1901 cũng của VND khớp được hơn 740.000 đơn vị nhưng do tỷ lệ chuyển đổi là 1:4 nên chỉ chiếm 13,8% về thanh khoản toàn thị trường.
Chi tiết về các chứng quyền hiện đang giao dịch
Rủi ro gì cho các công ty chứng khoán
Biến động của CW khiến các công ty chứng khoán, tổ chức phát hành (TCPH) CW phải lập kho để phòng ngừa rủi ro. Theo bà Trần Thị Mỹ Linh – Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm Chứng khoán của CTCP Chứng khoán HSC, khi thực hiện tạo lập thị trường cho chứng quyền, TCPH phải đồng thời mua/bán chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng quyền. Việc duy trì hoạt động giao dịch hàng ngày sẽ phát sinh chi phí giao dịch cổ phiếu.
Ngoài ra, danh mục này cũng chịu rủi ro thị trường khi giá cơ sở có biến động mạnh, nhất là khi quy mô danh mục này lớn. Ngoài ra, do chứng quyền hiện chỉ được phát hành trên các cổ phiếu trong danh mục VN30, các cổ phiếu này hiện đang là tài sản cơ sở cho cả chứng chỉ ETF và hợp đồng tương lai chỉ số, nên cũng sẽ có biến động giá rất mạnh trong những ngày đáo hạn hợp đồng tương lai hoặc rebalance danh mục ETF. Điều này sẽ tác động lớn đến giá cổ phiếu cơ sở và gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của TCPH chứng quyền.
Ngoài ra, các CTCK cũng chịu rủi ro tạo lập thị trường. Theo bà Linh, hoạt động tạo lập thị trường chỉ được thực hiện hiệu quả khi thị trường cơ sở đủ thanh khoản và TCPH đủ lượng hàng (chứng quyền) trong kho để TCPH có thể thực hiện yết giá xoay quanh giá trị hợp lý của chứng quyền. Trường hợp thị trường cơ sở không có thanh khoản hoặc trong kho không còn hàng, giá chứng quyền sẽ do lực cung và cầu thị trường quyết định và có thể cách rất xa giá trị hợp lý của chứng quyền do TCPH tính toán. Khi đó, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro do giá chứng quyền thay đổi bất thường, và tổ chức phát hành chịu ảnh hưởng về mặt danh tiếng khi không thể thực hiện đúng nghĩa vụ tạo lập thị trường như đã cam kết.
Đối với việc định giá CW, TCPH phải sử dụng một số mô hình lý thuyết để tính toán giá hợp lý của chứng quyền và thực hiện rào rủi ro, tuy nhiên, các mô hình này có thể tính toán không chính xác mức giá hợp lý này do phụ thuộc vào tham số đầu vào và các điều chỉnh cần thiết của người sử dụng mô hình. Việc mô hình tính toán không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức phát hành.
Bà Linh cho biết, tại HSC, bộ phận quản trị rủi ro chứng quyền là một bộ phận độc lập và có các nhân sự có kinh nghiệm tại các thị trường quốc tế trong việc quản lý danh mục đầu tư. Bộ phận này sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về phòng ngừa rủi ro (PNRR), theo dõi và cập nhật trạng thái PNRR của danh mục chứng quyền cùng với các chỉ số đo lường rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro biến động giá cơ sở. Ngoài việc theo dõi sát sao diễn biến giá chứng khoán cơ sở, bộ phận QTRR cũng xem xét các yếu tố khác có thể tác động bất lợi đến thị trường cơ sở và chứng quyền, ví dụ như các tin tức về công ty phát hành cổ phiếu cơ sở, số liệu cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô và tin tức của thị trường chứng khoán quốc tế, v.v. để có thể nhanh chóng ra quyết định phòng ngừa rủi ro phù hợp nhất với các thay đổi trên thị trường. HSC khá tự tin về khả năng lựa chọn các chứng khoán cơ sở có rủi ro thấp để phát hành chứng quyền.