Ngày 28/6, thị trường chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) Việt Nam sẽ chính thức vận hành. Tính tới ngày 16/6, có 7 công ty chứng khoán (CTCK) được cấp phép phát hành 10 mã chứng quyền dựa trên các mã chứng khoán cơ sở là FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ, VNM.
Theo quyết định 72 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc ban hành quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền cáo bảo đảm, các CTCK phải mua cổ phiếu cơ sở hoặc sử dụng cổ phiếu có sẵn trong danh mục tự doanh để phòng ngừa rủi ro (hedging).
Lượng cổ phiếu nắm giữ phụ thuộc vào lượng cổ phiếu hoán đổi (ví dụ công ty chứng khoán phát hành 5 triệu chứng quyền với tỷ lệ 5:1 thì số lượng cổ phiếu hoán đổi là 1 triệu) và hệ số Delta tính theo công thức Black Scholes. Chẳng hạn tại thời điểm ban đầu, hệ số Delta là 0,5, tương ứng cần mua 50% lượng cổ phiếu ban đầu để phòng vệ rủi ro. Trong thời hạn chứng quyền, nếu cổ phiếu cơ sở tăng giá, tức là với quyền chọn mua, nhà đầu tư có xu hướng thực hiện quyền khi đáo hạn, các CTCK sẽ tăng lượng cổ phiếu nắm giữ (hedging).
Điều này dẫn tới kỳ vọng của một số nhà đầu tư việc mua cổ phiếu sẽ khiến cầu tăng, tác động tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh Chứng khoán SSI, việc các CTCK mua cổ phiếu cơ sở sẽ không tác động nhiều tới giá vì khối lượng CW phát hành không nhiều nên lượng cổ phiếu cần mua để hedging ban đầu thấp. Đồng thời, khối lượng cổ phiếu bán ra hoặc mua vào hàng ngày theo biến động giá chiếm tỷ trọng nhỏ so với thanh khoản hằng ngày của các cổ phiếu cơ sở.
Ông Vũ Giang Sơn, Phụ trách bộ phận sản phẩm cấu trúc của Chứng khoán BIDV (BSC) cùng chung nhận định do số lượng CW phát hành đợt đầu tiên là khá ít, các CTCK muốn tham khảo thị trường và theo dõi xem nhà đầu tư đón nhận sản phẩm mới này như thế nào, nên ít tác động tới giá các cổ phiếu cơ sở. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu nhiều bên cùng thực hiện phát hành một mã cổ phiếu cơ sở dẫn tới việc mua số lượng lớn thì có thể sẽ tác động đến giá cổ phiếu, nhất là những mã thanh khoản kém thuộc VN30.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty Biên An Toàn, cho biết hiện tại chỉ có CW mua, tức nhà đầu tư chỉ có thể kiếm lời nếu giữ tới ngày đáo hạn nếu giá cổ phiếu phải tăng. Điều này cũng là khá bất lợi trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại.
Vì vậy, việc các CTCK "dè dặt" trong việc phát hành một lượng nhỏ CW cũng như giới hạn ở vài mã có triển vọng tăng giá trong khung thời gian 3 - 6 tháng như FPT, MWG hay MBB, HPG là điều dễ hiểu, vì các CTCK muốn tạo ra một sản phẩm mang tính "win -win", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết tự doanh các công ty chứng khoán phát hành CW đợt đầu đều có sẵn các mã cổ phiếu nói trên nên việc tăng cầu chỉ diễn ra trong trường hợp thị giá nhóm này tăng mạnh và buộc các công ty tăng hedging. Còn trong biên độ cho phép thì gần như sẽ không có nhiều biến động từ hoạt động phòng vệ này.
Theo tính toán của Người Đồng Hành, với cổ phiếu MBB của ngân hàng Quân Đội đang có lượng cổ phiếu hoán đổi lớn nhất là 4 triệu đơn vị, tương ứng với nếu chứng khoán SSI và chứng khoán TP HCM (HSC) mua cổ phiếu phòng ngừa rủi ro với hệ số Delta 0,5 thì khối lượng cần mua là 2 triệu đơn vị. So với thanh khoản bình quân khoảng 1,4 triệu đơn vị mỗi phiên của cổ phiếu này, khối lượng là không lớn, chưa kể trường hợp SSI và HSC có sẵn cổ phiếu MBB trong danh mục tự doanh.
Chi tiết số lượng cổ phiếu cơ sở tối đa chuyển đổi.
Vì vậy, Giám đốc đầu tư của Biên An Toàn cho rằng giá các cổ phiếu cơ sở vẫn phụ thuộc chính vào nội tại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Trong một báo cáo mới đây của quỹ Tundra, đơn vị này cho biết sản phẩm CW được ra mắt trong tuần cuối tháng này sẽ mang đến cho nhà đầu tư một lựa chọn mới. Tundra nhận định việc đưa vào vận hành CW sẽ làm tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu được dùng làm chứng khoán cơ sở. Đồng thời, khối ngoại có thêm cơ hội tiếp cận các cổ phiếu đang bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại).
Liệu có "dìm giá" cổ phiếu cơ sở trong ngày đáo hạn CW
Một điểm nhà đầu tư quan tâm là việc "dìm giá" trong ngày đáo hạn chứng quyền của CTCK để hưởng lợi. Trong đợt đầu, các CTCK sẽ phát hành 10 CW với thời gian đáo hạn khá gần nhau.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán Khách hàng cá nhân SSI thì nhà đầu tư sở hữu chứng quyền còn CTCK sở hữu chứng khoán cơ sở, trong trường hợp giá cổ phiếu tăng thì cả 2 bên đều có lợi. Vì vậy, CW là sản phẩm này mang tính chất “win-win”.
Bên cạnh đó, CTCK không chỉ phát hành một lần mà đây là nghiệp vụ kinh doanh lâu dài nên CTCK không "dám đánh đổi uy tín và thương hiệu để làm điều gì không có lợi cho nhà đầu tư". Như vậy, từ phía SSI sẽ không có chuyện đè giá hay làm giá cổ phiếu trong ngày đáo hạn, ông Linh khẳng định.
Giải thích thêm, Phó giám đốc khối của công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tại Việt Nam cho biết, giá tại ngày thanh toán là bình quân 5 phiên giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở. Với các cổ phiếu cơ sở có vốn hóa cao, tỷ lệ free-float (tự do chuyển nhượng) cao, giá trị giao dịch hàng ngày cao thì rất khó để một tổ chức hay cá nhân nào làm giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, quan điểm một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán lại cho rằng không nên nắm giữ CW tới ngày đáo hạn mà nên coi đây là một sản phẩm để giao dịch (trading). Theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn thì trong ngày đáo hạn, CW sẽ có biến động mạnh như thị trường phái sinh nhưng chỉ biến động ở riêng các cổ phiếu làm cơ sở.
Đại diện HSC chia sẻ trong hội thảo cuối tuần trước cho rằng nhà đầu tư nên xem chứng quyền là sản phẩm chủ yếu dùng để trading, không nên nắm giữ đến ngày đáo hạn. Bởi khi đáo hạn, CW có rủi ro liên quan đến giá cổ phiếu cơ sở biến động mạnh, rủi ro về thuế tăng cao hơn cũng như tỷ lệ hedging càng giảm khi gần đáo hạn.