Chưa dám ồ ạt tái đàn
Trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, tỉnh Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước với tổng đàn trên 2,5 triệu con. Gần đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có đàn heo gần 500.000 con. Nhưng sau dịch, tổng đàn heo của tỉnh Đồng Nai chỉ còn khoảng 1,5 triệu con và đàn heo của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm sút gần một nửa.
Hiện nay, giá heo hơi đang ở mức khá cao, muốn bình ổn giá, việc tái đàn là cấp thiết. Tuy vậy, không phải nông dân nào cũng có điều kiện tái đàn khi giá con giống đang khá cao.
Nhiều hộ tự sản xuất heo giống trong thời điểm giá giống quá cao.
Là một trong những hộ chăn nuôi heo lâu năm, gia đình bà Nguyễn Thị Phi, ngụ huyện Thống Nhất, Đồng Nai cũng bị thiệt hại nặng trong đợt dịch vừa qua. Khi thấy dịch bệnh tương đối ổn định, bà rất muốn mua con giống về tái đàn. Song hiện tại heo giống khan hiếm, giá cao gấp đôi so với thời điểm chưa xảy ra dịch.
Theo đó, mỗi con heo giống có giá khoảng 2,5 triệu đồng nên nếu muốn tái đàn bà Phi phải có số vốn hàng trăm triệu.
Nhưng bà Phi còn lo xa hơn, với giá con giống cao như hiện nay, khi xuất chuồng nếu giá heo hơi vẫn nằm ở mức cao thì bà còn có lãi, nếu giá heo chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg thì bà cầm chắc lỗ.
Giá cám và nhiều loại thực phẩm khác thời điểm này khá cao nên kéo theo đó giá heo cũng rất cao
Bà Hoàng Thị Xinh, người nuôi heo tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán: “Mỗi con heo giống bây giờ khoảng 2,2 - 2,5 triệu đồng, với mức giá này chúng tôi đều đắn đo trong việc mua con giống tái đàn".
Bà Xinh cho biết, dịch tả heo châu Phi đã làm hàng ngàn con heo nái bị chết hoặc tiêu huỷ là nguyên nhân khiến nguồn heo giống khan hiếm và có giá cao. Lường trước việc này, bà tự nhân giống để tái đàn để vừa giảm chi phí vừa tự kiểm soát chất lượng nguồn giống.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, trang trại của bà sẽ xuất chuồng khoảng 2.000 con heo thịt bằng con giống tự sản xuất.
Nhiều trại giống cũng khó xuất heo con vì giá quá cao.
Ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, bà Hoàng Thị Lan cũng lâm cảnh tương tự. Đợt dịch năm ngoái gia đình bà đã phải tiêu hủy toàn bộ số heo gần 1.000 con. “Đối với các công ty, trang trại lớn chủ động được con giống thì không gặp trở ngại nhưng với những nông hộ nhỏ lẻ như chúng tôi thì giá con giống cao thực sự đang khiến chúng tôi phải tính rất kỹ chuyện tái đàn” - bà Lan nói.
Nên có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp lớn sản xuất giống
Các trại heo nhỏ lẻ đều đau đầu vì chuyện tái đàn
Trong khi đó, người chuyên nuôi heo nái là ông Hoàng Minh Tùng tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết hiện trại của ông có 150 con heo nái sinh sản và 25 con heo đực giống, mỗi tháng cung ứng từ 240 - 320 con giống kèm tinh heo, đáp ứng một phần cho việc tái đàn.
“Trước đây heo giống tầm 10 - 12 kg/con giá khoảng 800.000 -1 triệu đồng/con nhưng hiện nay đã lên đến 2,3 - 2,5 triệu đồng/con”- ông Tùng nói.
Để giải quyết tình trạng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có con giống để tái đàn vì giá cao, mua trôi nổi thì không đạt chất lượng, ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đề xuất tỉnh Đồng Nai nên quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện đầu tư cho ngành sản xuất con giống, từ đó có nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo thịt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn heo; nhất là quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi đầu tư dự án mới như: quỹ đất, thủ tục, hồ sơ, nguồn vốn… Đồng Nai sẽ hỗ trợ hết mức cho những nhà đầu tư quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nuôi heo theo hướng bền vững, quy mô lớn vì nó không chỉ góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường mà còn giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. |