Chốt phiên cuối tuần 25 của năm 2018, giá cà phê Robusta trên sàn ICE – London hồi phục phiên thứ 3 liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 7 USD, tức tăng 0,41% lên ở mức 1.724 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 4 USD, tức tăng 0,24% lên ở mức 1.705 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có phiên điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 1,25 cent, tức tăng 1,11% lên ở mức 113,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,7 cent, tức tăng 0,6% lên ở mức 116,95 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cuối tuần tăng thêm 100 đồng/kg, lên dao động trong khung 35.200 – 36.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.600 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 100 – 105 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 15 USD, tức tăng 0,69%, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 500 đồng/kg, tức tăng 1,42%, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 0,6 cent/lb, tức giảm 0,51%.
Mặc dù thị trường cà phê Robusta London có sự tăng trưởng liên tiếp 3 phiên cuối tuần nhưng giá cà phê thế giới nói chung hiện vẫn dao động trong khung giá ở mức thấp nhiều năm qua. Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy chỉ số giá cà phê các loại cho thấy có sự tăng trưởng trong tháng Năm. Nhưng các nhà qua sát cho rằng đó chỉ là sự tăng trưởng nhất thời khi đầu cơ buộc phải mua vào để tất toán khối lượng đã bán ròng "quá tay" mà thôi, trong khi sức ép vụ mùa mới năm nay đạt sản lượng "kỷ lục" của Brazil và các nước sản xuất khu vực Mỹ – latinh vẫn còn nguyên.
Biến động tiền tệ thế giới đã đẩy USD tăng khiến giá cả hàng hóa nói chung trở nên đắt đỏ, làm giảm sức mua. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ rực. Bị tác động mạnh nhất có lẽ là thị trường chứng khoán chấu Á khi chỉ trong 2 tuần vừa qua đã bị thổi bay 1,5 nghìn tỷ USD, trong đó chỉ riêng Trung Quốc và Hồng Kông đã bốc hơi hơn 1 nghìn tỷ không dấu vết. Tất nhiên, thị trường vàng và dầu mỏ được hưởng lợi nhưng cà phê thì không do dự báo thị trường này đang đứng trước ngưỡng cửa thặng dư.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 sẽ đạt sản lượng 171,2 triệu bao, bao 60kg trong khi toàn cầu tiêu thụ cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao, mặc dù vẫn được đánh giá là tiêu thụ có mức tăng trưởng tốt.
Ông Roberto Velez Vallejo, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê Colombia (The National Federation of Coffee Growers of Colombia – FNC), đã chia sẻ với giới truyền thông rằng mức giá thấp kéo dài làm cho nông dân trồng cà phê ở nhiều nước gặp khó khăn vì thua lỗ. Vấn đề đáng quan ngại là họ, tức là nông dân sẽ giảm đầu tư vào phân thuốc và nguy cơ sản lượng năm tới sẽ sụt giảm là điều trông thấy. Phải tìm cách để giảm thiểu những tác động tiêu cực do các quỹ tài chính và đầu cơ phi thương mại chi phối xu hướng thị trường.
Ông HT Pramod, Chủ tịch Hiệp hội Người trồng Karnataka (Karnataka Planter’s Association – KPA), bang trồng cà phê chính của Ấn Độ, cho biết thua lỗ kéo dài nhiều năm liên tiếp không chỉ làm cho nông dân cà phê tại bang này không thể trả các khoản nợ mà càng làm nợ thêm chất chồng, nay dư nợ đã lên hơn 60 tỷ Rupi (khoảng 1 tỷ USD). Một chủ đồn điền trồng cà phê Arabica có diện tích lớn cho biết giá bán hiện nay tại cổng trang trại chỉ vào khoảng 6.400 – 6.500 Rupi/bao, bao 50kg, trong khi giá bán đầu năm ngoái đã là 9.500 – 9.700 Rupi/bao. Kèm theo đó còn là tỷ giá đồng Rupi giảm so với USD và sản phẩm phụ giúp tăng thu nhập như hạt tiêu cũng giảm tới 50%.
Rõ ràng, giá tăng chỉ là nhất thời chịu tác động của kinh tế vĩ mô toàn cầu nhưng trong ngắn lẫn trung hạn vẫn chưa lấy gì làm sáng sủa trong khi thị trường liên tiếp nhận được các dự báo nguồn cung tăng và thế fiới đang đứng trước ngưỡng cửa thặng dư cà phê. Anh Văn