Giá đất đang sôi sục khắp nơi, tăng chóng mặt. Cục bộ, một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đầu tư đất.
Đầu cơ có tổ chức
Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, trong vài năm trở lại đây số lần sốt đất ảo diễn ra ngày càng nhiều. Đặc điểm của những cơn "sốt đất ảo" là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai. Thông qua lực lượng "cò đất" hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Những người nhảy vào sau cùng sẽ "chết chìm".
Đất quanh khu vực hồ Đồng Chanh (Lương Sơn - Hoà Bình) nhiều chỗ vẫn chỉ là bãi cỏ chăn thả trâu bò, mặt hồ để nuôi thả vịt thời gian qua rao bán cao gấp 2-3 lần năm ngoái nhưng theo lãnh đạo xã Nhuận Trạch thực tế không có chuyển nhượng, giao dịch gần như không có, giá cao do môi giới |
Từ năm 2020 đến nay thị trường liên tục xuất hiện những cơn sốt đất “chết yểu” tại nhiều địa phương từ xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) gần đây là huyện Hớn Quản (Bình Phước)…Cơn sốt lan dần trên nhiều địa phương trên cả nước theo sóng đầu tư đi tỉnh, ra các vùng ven đô như Hoà Lạc, Ba Vì, Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Tại TP.HCM, giá đất khu Đông nay là TP Thủ Đức liên tục sốt cao với mức tăng 40-50%. Sốt đất khiến cho giá đất khu Đông TP.HCM tăng gấp đôi chỉ trong 1-2 năm. Ngay khi TP.Thủ Đức được thành lập, lập tức giá nhà đất ở đây được đẩy lên cao ngất, nhất là khu vực gần trung tâm hành chính của thành phố này. Theo giới cò đất thì giá đất ở khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) được giao dịch ở mức 140 triệu đồng đến hơn 350 triệu đồng tùy vị trí, tăng từ 40-60 triệu đồng/m2 so với trước đây. Từ thực tế trên nhiều ý kiến nhận định, giá đất khu vực này hiện nay đã tăng so với đỉnh điểm của năm 2007 hơn 360%.
Tại Hà Nội, khảo sát tại một số dự án khu vực Hoài Đức giá đất tại nhiều dự án tăng phi mã 30 - 40% chỉ trong thời gian ngắn. Cuối năm 2020 đầu năm 2021, một số dự án đắp chiếu cả thập kỷ bất ngờ nổi lên với giá tăng gấp 2 -3 lần khiến thị trường quanh khu vực thiết lập mặt bằng giá mới, có dự án ăn theo trên thị trường thứ cấp cũng tăng vài tỷ đồng mỗi biệt thự. Như tại dự án Hà Đô Charm Villas (An Thượng, Hoài Đức), theo bảng giá giới thiệu của môi giới, đa số các căn biệt thự có giá trên 70 triệu đồng/m2, trong đó một số căn diện tích nhỏ có đơn giá tới 80 triệu đồng/m2. Dự án An Lạc Symphony (Vân Canh, Hoài Đức), theo môi giới giá bán trung bình dự kiến đối với liền kề lên tới 110-120 triệu đồng/m2. Với những căn biệt thự, đơn giá dự kiến không dưới 90 triệu đồng/m2.
Thị trường bất động sản liên tục xuất hiện những cơn sốt đất “chết yểu” tại nhiều địa phương chỉ kéo dài trong khoảng 7-10 ngày rồi nhanh chóng "xì hơi" (Ảnh: Giới đầu tư đi ồ ạt đổ về huyện Hớn Quản săn đất vào trung tuần tháng 2 vừa qua tạo ra cơn sốt cục bộ kéo dài khoảng 10 ngày) |
Tại Quảng Ninh, thông tin từ UBND TP Hạ Long cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố đã có một số người môi giới đầu tư bất động sản mua đi bán lại các ô đất trong quy hoạch dân cư thuộc các dự án như Khu dân cư Cầu Bang (xã Thống nhất) do Công ty CP Thống Nhất 508 làm chủ đầu tư, Quy hoạch khu dân cư xã Thống Nhất do Công ty TNHH Phúc An làm chủ đầu tư hay các khu dân cư đô thị tại phường Cao Xanh, Hà Khánh và một số dự án khác trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hạ Long, đây là hoạt động “làm thị trường” của các nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. thực hiện theo một kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Sốt đất do mở rộng quy định về phân lô bán nền Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng "sốt đất" xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. “Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ. Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế", GS Đặng Hùng Võ đánh giá. |
UBND TP chỉ rõ, các đối tượng đầu cơ này đã âm thầm chuẩn bị mua đất tại các dự án trên từ trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị đã bằng mọi cách tung ra thị trường các tin gây “sốt” để đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm tạo “sóng ảo” về nhu cầu khiến giới đầu tư và người dân thấy bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động. Nhưng thực chất là các hoạt động mua đi bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường tạo ra các giao dịch “mồi” để dụ khách hàng.
"Khi người dân đầu tư mua hết các giao dịch hoạt động tạo sốt đất ảo sẽ chấm dứt, giá đất sẽ đứng ở mức cao hoặc giảm sâu khiến người đầu tư không kịp thoát ra khỏi cơn sốt đất và bị mắc kẹt” – UBND TP Hạ Long đánh giá.
Loạt địa phương cảnh báo, “cắt cơn” sốt ảo
Từ thực tế trên, thời gian qua nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị… đã đưa ra cảnh báo để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất sốt ảo hiện nay.
Theo chính quyền Hạ Long, tình trạng thổi giá, sốt đất ảo với sự tham gia của nhóm đầu cơ có tổ chức có thể kéo theo một số hệ lụy như làm mất an ninh trật tự khu vực, tín dụng đen, gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại chính các dự án này và các vùng lân cận thành phố.
Mới đây, UBND TP Hạ Long đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và các xã, phường về việc cảnh giác tình trạng sốt đất ảo trên địa bàn trong đó yêu cầu các xã phường và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện việc chứng thực các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất theo đúng trình tự quy định;
Bên cạnh đó, tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến tình trạng cò mồi, đầu cơ, thao túng thị trường…
UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại các khu vực quy hoạch dự án phát triển trên địa bàn.
Liên quan Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội yêu cầu không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép...(Ảnh: Đất dự án ở Đông Anh (Hà Nội) có giá cả trăm triệu đồng mỗi m2) |
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch, dự kiến đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn (như khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf, đường giao thông….) và vùng lân cận trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng tách một thửa đất thành nhiều thửa để lợi dụng hợp thức hóa, chuyển mục đích sang đất ở;
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật; "cò đất" đầu cơ mua đi bán lại gây "sốt đất" ảo; "thổi giá" làm cho giá đất không đúng với giá đất phổ biến trên thị trường; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật để trồng cây lâu năm, xây dựng công trình trên đất nhằm trục lợi bồi thường.
Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND cấp xã các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo" phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn. UBND cấp xã sớm kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nêu trên.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản; tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật tại các khu vực có dự án khu đô thị, khu dân cư.
Từ đó, UBND tỉnh sẽ đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai, lập các dự án "ảo" và phân lô bán nền trái quy định của pháp luật tại các khu vực quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh.
Đối với các dự án, công trình đã quá 3 năm nhưng chưa thực hiện, UBND cấp xã cần báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh đưa ra khỏi Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất….
Tại Quảng Trị, chính quyền cũng đánh giá thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng mua, bán, nhận chuyển nhượng đất đai chưa đúng với quy định của pháp luật, giá đất tại một số khu vực tăng đột biến, nguy cơ tạo ra các cơn sốt đất ảo về thị trường bất động sản, đặc biệt là các khu vực ven biển, khu vực quy hoạch sân bay, khu đô thị…
Để tăng cường công tác quản lý đất đai tại các khu vực quy hoạch công trình, dự án, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021;
Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có văn bản hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp các thông tin về quy hoạch.
Đồng thời, cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi lừa đảo, mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật…
Hà Nội yêu cầu không để trục lợi, đầu cơ đất đai khi quy hoạch sông Hồng Liên quan Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thành uỷ Hà Nội vừa có thông báo về kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ về chủ trương chỉ đạo đối với Đồ án. Trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. |
Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất Đánh giá về thị trường BĐS năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận có hiện tượng giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị...gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính. Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đặc biệt là về hệ thống đường giao thông,…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính. |
Thuận Phong