Người mua chỉ biết nói “giá như”
Trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm nhưng nhu cầu sở hữu nhà của người dân ở đô thị lớn như Hà Nội ngày càng tăng cao. Điều này làm chênh lệch cung - cầu ngày càng lớn buộc giá thành càng tăng cao.
Chỉ riêng từ cuối năm năm 2020 tới nay, nhiều nơi tại Hà Nội giá nhà đã tăng lên tới 30%, thậm chí kể cả những nơi xa trung tâm cũng giá vài chục triệu đồng mỗi m2.
Đơn cử, tại khu vực Nam Dư (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai), một căn nhà có diện tích 30m2, đã xây dựng 5 tầng, nằm ở mặt ngõ ô tô tránh nhau, thời điểm cuối năm 2020 có giá 3 tỷ đồng thì nay đã tăng lên 3,8 - 4 tỷ đồng, tăng khoảng 30%.
Một lô đất 40m2 mặt đường Thanh Đàm (phường Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) cách đây 1 năm có giá chỉ khoảng 100 - 105 triệu đồng/m2, nay đã được người mua “chốt” với giá 135 triệu đồng/m2.
Còn ở khu vực phía Tây Hà Nội, một lô đất rộng 45m2 tại phường Phú Đô (Nam Từ liêm), nằm ở mặt ngõ rộng 3m, cách đây 1 năm chỉ khoảng 55 triệu đồng/m2, thì nay cũng được giao dịch với giá 70 triệu đồng/m2.
Đa phần các khu vực tại Hà Nội trong 1 năm trở lại đây, giá nhà đất đều đồng loạt tăng từ 15 - 30%. Giá nhà thổ cư tăng chóng mặt khiến nhiều người tiếc mất ăn mất ngủ.
ảnh minh họa.
Anh Nguyễn Văn Sơn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2020 gia đình anh tích góp được khoảng 2 tỷ đồng, dự định sẽ vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng để mua căn nhà rộng 38m2, đã xây dựng 4 tầng, nằm ở mặt ngõ ô tô chạy qua tại khu vực Lê Đức Thọ (Nam Từ liêm). Tuy nhiên, thời điểm đó vì tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp nghĩ rằng giá nhà sẽ giảm nên gia đình anh quyết tâm đợi.
Mọi tính toán của gia đình anh đều đổ vỡ vì bước sang năm 2021 giá nhà tại Hà Nội tiếp tục tăng “phi mã”. Hiện nay, căn nhà anh chị dự định mua trước đó đã được giao dịch với mức giá 3,8 tỷ đồng.
“Chưa đây 1 năm căn nhà tôi định mua đã tăng đến 800 triệu đồng, trong khi thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mỗi lần nghĩ tới vợ chồng tôi lại tiếc mất ăn mất ngủ. Đà giá nhà tăng thế này chắc gia đình tôi vẫn phải đi thuê nhà dài dài”, anh Sơn nói.
Tương tự anh Sơn, gia đình anh Nguyễn Cường (Bắc Từ Liêm) chia sẻ, cuối năm ngoái với số tiền 3 tỷ đồng trong tay, anh dự định mua một căn nhà rộng 49m2 nằm ở mặt ngõ 3m ở đường Trần Cung với giá 3,5 tỷ đồng. Khi đó, anh Cường tính 500 triệu đồng thiếu sẽ vay ngân hàng nhưng vì dịch sợ ảnh hưởng thu nhập và gánh khoản nợ nên anh tạm dừng.
Tuy nhiên, đến nay căn nhà anh dự định mua đã có mức giá lên tới 4,2 tỷ đồng. "Trong khi thu nhập không tăng thì giá nhà vẫn tăng mạnh. Vợ chồng tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, giá như khi đó tôi bạo tay thì giờ không còn chịu cảnh vẫn ở nhà thuê", anh Cường nói.
Người bán “xuýt xoa” vì vẫn tăng giá
Tưởng rằng, khi giá bất động sản tăng cao chỉ có người mua khó sở hữu và cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư sau khi chốt lãi và giá vẫn có xu hướng tăng tiếp thì lại tỏ ra xuýt xoa, tiếc rẻ.
Theo anh Nguyễn Văn Hợp - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, thời gian tháng 10 (sau giãn cách) anh đã chốt lời một lô đất 100m2, với giá 15 triệu đồng/m2, tổng là 1,5 tỷ đồng tại Bắc Giang. Dù lô đất đó lãi gần 400 triệu đồng nhưng đến nay anh Hợp lại tỏ ra tiếc nuối vì bán quá sớm.
“Mảnh đất này tôi mua từ hồi tháng 4, khi đó thị trường khu vực này vẫn sôi động. Đến khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát thị trường chững lại khi đó tôi chỉ mong bán được mảnh đất này. Tuy nhiên, đến hết giãn cách tôi bất ngờ được trả chênh gần 400 triệu đồng nên bán luôn”, anh Hợp kể.
Tưởng rằng đã thắng lớn trong chuyến đầu tư này nhưng sau khi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh thị trường bất động sản bị nén đến lúc bung trở lại. Thị trường bất động sản vào giai đoạn phục hồi sau dịch và khởi sắc trở lại. Do đó, mảnh đất của anh Hợp đã bán được đẩy giá lên cao.
“Mới đây, người mua lại mảnh đất của tôi đã bán cho người khác với mức giá 2 tỷ đồng. Bán trước khoảng vài tháng tôi đã mất luôn nửa tỷ đồng”, anh Hợp xuýt xoa nói.