Ngày thứ Hai lịch sử của thị trường dầu mỏ thế giới (20/4) chứng kiến biến động giá tồi tệ nhất từ trước tới nay khi lần đầu tiên giá dầu WTI giảm xuống dưới 0 USD/thùng. Thậm chí, các nhà giao dịch sẵn sàng trả 40 USD/thùng chỉ để khiến ai đó nhận dầu thô từ tay họ. Giá đã tăng trở lại vào thứ ba ở mức khoảng 0,5 đô la một thùng vào lúc 8:31 sáng giờ Singapore.
Theo báo cáo của CTCK Dầu khí (PSI), các nhà giao dịch đã tháo chạy khỏi hợp đồng tương lai tháng 5 trước khi hết hạn vào Thứ ba (21/4) để không bị mắc kẹt từ việc nhận dầu vật lý khi không có năng lực dự trữ lưu kho. Trong khi đó Hợp đồng WTI giao tháng 6 hiện đang được giao dịch phù hợp hơn với thực tế, ở mức khoảng 21,5/ thùng, Hợp đồng dầu Brent ở mức khoảng 25 USD/thùng.
PSI cho rằng việc giá dầu tiêu cực như trên đang báo hiệu một sự thật về thị trường dầu mỏ trước bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh virus Corona.
Bất chấp thỏa thuận OPEC+ để cắt giảm khoảng 10% sản lượng toàn cầu vào tuần trước, cuộc khủng hoảng thị trường dầu mỏ hiện vẫn tiếp tục xấu đi khi đại dịch tiếp tục làm tê liệt kinh doanh và du lịch trên toàn cầu.
Hàng hóa quan trọng nhất thế giới được coi như là "vàng đen" đang nhanh chóng mất tất cả giá trị khi tình trạng sụt giảm mạnh nhu cầu dầu thô thế giới dẫn đến dầu thô dư thừa từ các bồn chứa, nhà máy lọc dầu tới cả xe vận chuyển, đường ống.
Báo cáo tháng 4/2020 của IEA ươc tính nhu cầu dầu thô trong tháng 4 ước tính sụt giảm 29 triệu thùng/ngày, báo cáo cũng cho biết thêm các nhà máy lọc dầu đa phần đều rơi vào tình trạng "tank" top dẫn đến công suất trung bình sụt giảm còn khoảng 60%.
Sự sụp đổ giá dầu có thể vẽ lại bản đồ quyền lực toàn cầu của các quốc gia như Nga và Ả Rập Saudi cũng như hàng loạt các doanh nghiệp lớn khác như: Exxon Mobil Corp, Royal Dutch Shell Plc,...
Tồn kho dầu Mỹ tăng mạnh những tuần gần đây
Giá dầu bao giờ hồi phục?
PSI cho rằng nhu cầu về dầu có thể sẽ rất khó khăn trong việc sớm hồi, đặc biệt là khi nền kinh tế đang đình trệ ở nhiều nơi trên thế giới khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các yếu tố để đảm bảo tái hoạt động sản xuất được bền vững của các nền kinh tế gồm: (1) Bệnh viện đủ năng lực đón nhận và xử lý các ca bệnh; (2) Cơ sở hạ tầng y tế công cộng phủ rộng hỗ trợ xét nghiệm; (3) Truy tìm nguồn gốc lây bệnh và cô lập, hạn chế các điểm nóng dịch bệnh và (4) Nâng cao công nghệ xét nghiệm huyết thanh để xác định ai đã miễn dịch với virus.
Tuy nhiên, PSI cho rằng ngay cả khi nền kinh tế tái khởi động trở lại sẽ cần một thời gian để nhu cầu phục hồi trở lại cũng như tiêu thụ lượng tồn kho dự trữ trong thời gian qua. Theo ước tính từ Morgan Staley, mức tăng trưởng sản lượng sản xuất của Hoa Kỳ và toàn cầu có khả năng đến quý IV năm 2021 mới phục hồi hoàn toàn.