Giá dầu thô duy trì ở trên vùng 80 USD/thùng trong hơn một tháng qua đã gây ra nhiều sức ép đến các hoạt động kinh tế và sản xuất công nghiệp. Do đó, vấn đề được thị trường quan tâm hàng đầu hiện nay chính là triển vọng giá dầu trong những tháng cuối năm.
Giá dầu thế giới biến động mạnh trong nửa đầu tháng 11
Mở đầu tháng 11, giá dầu biến động tương đối mạnh xung quanh cuộc họp chính sách của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Quyết định giữ nguyên chính sách gia tăng sản lượng của nhóm OPEC+ ở mức 400.000 thùng/ngày, mặc dù vẫn thấp hơn yêu cầu của các đối tác, về lý thuyết sản lượng vẫn tăng cao hơn so với tháng trước.
Bên cạnh đó, thông tin Iran và Mỹ nối lại thoả thuận đàm phán hạt nhân sau khi đã tạm hoãn trong vài tháng, mở đường cho Iran xuất khẩu dầu trở lại. Ngoài ra, việc các Ngân hàng Trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm dần dòng tiền bơm ra thị trường mỗi tháng cũng góp phần kéo giá Brent có thời điểm giảm xuống sát mốc 80 USD/thùng. Sau đó, tâm lý thị trường đã tích cực hơn và giá đã quay lại vùng giá 84 USD/thùng, tuy nhiên, với phiên giảm mạnh ngày hôm qua, đã buộc giới phân tích phải đánh giá lại triển vọng thị trường trong giai đoạn cuối năm nay.
Đóng cửa ngày 10/11/2021, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX đóng cửa giảm 3.3% xuống còn 81.34 USD/thùng và giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1 trên sở ICE đóng cửa giảm 2.5% xuống còn 82.64 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm mạnh 2.18% xuống còn 3,710 điểm. Giá trị giao dịch nhóm Năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt hơn 2,500 tỷ đồng.
Nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn là biến số khó đoán
Tính đến nay, giá dầu thô đã tăng 65% so với giai đoạn đầu năm, thúc đẩy các nhà sản xuất tại Mỹ gia tăng các giàn khoan trong suốt 5 tháng liên tiếp. Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) tháng 11 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu tại Mỹ trong tháng 12 sẽ tăng lên mức 11,6 triệu thùng/ngày, phù hợp với kỳ vọng của giới phân tích. Nhóm OPEC+ cũng sẽ tiếp tục tăng sản lượng theo các thoả thuận chung. Như vậy, yếu tố nguồn cung tương đối ổn định, và ẩn số hiện tại chỉ còn là nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới.
Với các bước tiến của thế giới trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, và thời điểm các kỳ nghỉ lễ cuối năm tại châu Âu và Mỹ đang cận kề, phân tích của một số tổ chức lớn như Goldman Sachs hay Vitol cho rằng tiêu thụ dầu của thế giới hiện tại đã quay trở ngưỡng trước đại dịch. Theo đó, tiêu thụ dầu sẽ tiếp tục gia tăng trong 2 tháng cuối năm khi nhu cầu di chuyển trong các kỳ nghỉ lễ cuối năm tăng cao, đẩy thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu lên mức 2.5 triệu thùng/ngày, có thể khiến giá dầu Brent tiến đến vùng 90-100 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), có lý do để nghi ngờ các dự báo lạc quan này: Thực tế, xu hướng làm việc tại nhà vẫn đang tiếp diễn, khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng vẫn đang ở dưới mức trung bình trong năm 2019.
Theo số liệu của Cục Thống kê Giao thông vận tải Mỹ, số người sinh hoạt và làm việc tại nhà Mỹ trong cuối tháng 10 vẫn duy trì ở mức 73.3 triệu người, cao hơn 12.5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, dù các quy định về du lịch quốc tế dần được dỡ bỏ, số lượng khách du lịch có thể sẽ không tăng mạnh trong thời gian ngắn. Theo khảo sát của công ty tư vấn MorningConsult, tại 7 quốc gia có số lượng du khách đến Mỹ lớn nhất là Canada, Mexico, Anh, Trung Quốc, Brazil, Đức và Pháp, có tương đối ít người có kế hoạch chắc chắn sẽ đi du lịch đến đến nước này trong 3 tháng tới, chỉ khoảng 7-13%.
Một yếu tố khác có tác động lớn đến đà tăng của giá dầu trong giai đoạn vừa qua chính là đà tăng của khí tự nhiên, thúc đẩy các nhà máy sản xuất điện và máy sưởi chuyển sang sử dụng dầu để hạ giá đầu vào. Tuy nhiên, hiện giá các sản phẩm khí tự nhiên tại châu Âu như TTF đã giảm gần 40% so với mức đỉnh tháng 10, khiến cho động lực để chuyển đổi sản phẩm không còn quá cao. Trong báo cáo mới nhất, EIA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ đạt 100,1 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay, vẫn thấp hơn so với con số 101.1 triệu thùng/ngày trong năm 2019, khi đại dịch COVID-19 chưa xảy đến. Thâm hụt nguồn cung so với nhu cầu ở mức 0,7 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 1,78 triệu thùng/ngày trong quý III, mở ra triển vọng giá điều chỉnh nhẹ trong các tháng cuối năm.
Tổng kết lại, dù là dự báo mang tính chính thống của EIA, cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, hay của tổ chức tài chính như Goldman Sachs, tình trạng thiếu hụt nguồn cung so với sản lượng vẫn sẽ duy trì, khiến cho giá dầu sẽ giữ ít nhất ở quanh vùng 80 USD/thùng. Tuy nhiên, nếu có các sự kiện bất ngờ xảy đến, như sản lượng dầu đột ngột suy giảm, hay mùa đông lạnh bất thường khiến cho nhu cầu sưởi ấm tăng lên, giá có thể sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, xung đột giữa các kỳ vọng trái chiều cũng có thể khiến cho biến động giá tăng cao.
Giá dầu thế giới biến động và ảnh hưởng tới giá trong nước
Với triển vọng giá dầu quốc tế duy trì ở vùng cao như vậy, giá các mặt hàng thành phẩm như xăng và diesel ở thế giới cũng như trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên xen kẽ có thể có một số giai đoạn điều chỉnh mạnh. Do đó, việc rút ngắn kỳ điều hành giá xăng từ 15 xuống 10 ngày sẽ giúp cho giá tại thị trường trong nước bám sát hơn với diễn biến quốc tế. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, do tránh được tình trạng giá tăng quá mạnh hay giảm chậm hơn so với giá thế giới.
Ở phía các nhà cung cấp, biện pháp này cũng tạo thuận lợi giúp họ dễ dàng cân đối được chi phí đầu vào và giá bán ra, nhất là khi giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh. Hơn thế nữa, thời điểm điều chỉnh là ngày 1,11 và 21 hàng tháng, cũng phù hợp với chu kỳ điều tra giá tiêu dùng (CPI) hiện tại là ngày mùng 5, 15, và 25, giúp thuận lợi cho việc tổng hợp dữ liệu, chỉ số kinh tế.