Sáng 18/3/2020, giá dầu đã chạm mức thấp nhất gần 17 năm do dịch virus corona lây lan quá nhanh gây lo ngại sẽ đẩy kinh tế toàn cầu sớm lâm vào suy thoái – điều sẽ khiến khoảng cách giữa cầu và cung dầu càng trở nên xa cách.
Trong khi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang đưa ra những quyết định chưa từng có nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, giá dầu vẫn tiếp tục suy giảm và các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng không ngần ngại hạ tiếp giá bán dầu thô.
Ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường châu Á Thái Bình Dương thuộc AxiCorp nhận định, giá dầu có thể giảm xuống dưới 18-20 USD/thùng; và trong trường hợp các ca nhiễm virus corona tăng mạnh hơn nữa, nhất là ở Mỹ, thì ngành kinh doanh dầu mỏ sẽ thực sự rơi vào ‘địa ngục’.
Các nhà kinh doanh dầu đang tìm kiếm những tia hy vọng từ sự nỗ lực của toàn cầu để ngăn chặn sự ‘sụp đổ" của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là hy vọng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngầy 17/3 tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng – đã từng áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính – để ngăn chặn tác động từ Covid-19. Chứng khoán Mỹ nhờ đó đã có phiên hồi phục mạnh mẽ nhất kể từ năm 1987. Song bất chấp tất cả, giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc sau khi Saudi Arabia thông báo dự định sẽ xuất khẩu kỷ lục 10 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 4 tới.
Trong bối cảnh đó, Goldman Sachs Group Inc. đã phải hạ 8 triệu thùng/ngày trong dự báo về tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, đồng thời giảm dự báo về giá dầu Brent trong quý II/2020 xuống 20 USD/thùng. Công ty Mizuho Securities cũng đồng quan điểm khi cảnh báo giá dầu có thể sẽ còn giảm sâu nữa do dầu mỏ của Nga và Saudi Arabia làm cho thị trường vốn đang tràn ngập nguồn cung trở nên dư thừa hơn nữa.
Lúc 8h46 sáng 18/3, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2 US cent xuống 26,93 USD/thùng trên sàn New York; ở Singapore, dầu Brent tăng 7 US cent lên 28,08 USD, nhưng trước đó đã giảm 4,4% trong ngày 17/3.