Rủi ro về việc tăng giá tiêu dùng và sự gián đoạn số dư tài khoản vãng lai đã kích hoạt dòng tiền chảy mạnh mẽ ra khỏi nhiều thị trường chứng khoán khu vực, như Ấn Độ và Hàn Quốc, trong những ngày gần đây, khiến nội tệ của họ suy yếu.
Một số quốc gia giàu tài nguyên, như Australia và Indonesia, nằm trong số những người hưởng lợi khi thị trường chứng khoán của họ đang được giữ vững giá trị trong bối cảnh kinh tế bên ngoài suy yếu kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga đã đẩy giá dầu thô Brent lên mức 139 USD/thùng hồi đầu tuần qua.
Giá dầu tăng vọt khiến một số thị trường chứng khoán Châu Á rực lửa.
David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương - Nhật Bản thuộc công ty Invesco Ltd., cho biết: "Không có thời điểm nào thích hợp hơn bây giờ để các nhà đầu tư duy trì sự đa dạng hóa về tài sản, và những nước là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất về năng lượng, nông nghiệp và kim loại" hút tiền vào.
Dưới đây bức tranh thị trường chứng khoán Châu Á khi giá năng lượng tăng cao:
Australia
Nước này dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu kim loại và khoáng sản, bao gồm than, quặng sắt và vàng. Dầu và khí đốt tự nhiên chiếm hơn 15% thu nhập xuất khẩu của Australia, theo RBC Europe Ltd.
Chỉ số S&P/ASX 200 Index, trong đó các công ty vật liệu chiếm 1/4 tỷ trọng, đã giảm 2% kể từ ngày 23 tháng 2, một ngày sau khi Nga triển khai quân sự ở Ukraine. Con số đó được xem là đáng mơ ước so với mức giảm hơn 7% của Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương. Cổ phiếu của các công ty khai thác như Cimic Group Ltd. và Whitehaven Coal Ltd. đã tăng ít nhất 27% trong giai đoạn này, trong khi đồng đô la Australia tăng hơn 1% so với đồng bạc xanh vào cuối ngày thứ Sáu (11/3) ở châu Á.
Indonesia, Malaysia
Indonesia và Malaysia là hai nhà xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới, giúp họ có vị thế vững chắc thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hỗn loạn. Chỉ số tổng hợp Jakarta - Jakarta Composite Index - đã tự giữ vững trong khi đồng Rupiah là đồng tiền duy nhất tăng giá trong số các đồng tiền châu Á kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Đồng ringgit phục hồi đã hỗ trợ dòng vốn nước ngoài đổ vào chứng khoán Malaysia. Giảm hơn 1% một chút kể từ ngày 23 tháng 2, cổ phiếu nước này vẫn được đánh giá nằm trong top những cổ phiếu tốt nhất trong khu vực.
Wai Ho Leong, chiến lược gia thuộc Modular Asset Management ở Singapore, cho biết: "Đó là phương pháp phòng ngừa lạm phát cổ điển. Tôi đang tìm kiếm tài sản ở Malaysia để mua với giá rẻ", và cho biết thêm rằng đồng tiền này vẫn "bị định giá thấp về cơ bản".
Ấn Độ
Mức độ phụ thuộc vào dầu của Châu Á
Tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu khoảng 85% nhu cầu dầu của mình, các nhà đầu tư nước ngoài đang bán cổ phiếu Ấn Độ với tốc độ cao kỷ lục, và cuộc "di cư" tiền tệ này đã đẩy đồng rupee xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ số chứng khoán Ấn Độ &P BSE Sensex giảm 2,9% kể từ ngày 23 tháng 2, và chỉ được mua bởi các quỹ trong nước giữa bối cảnh kinh doanh bán lẻ hoảng loạn, giúp nhà đầu tư hạn chế tổn thất vốn cổ phần.
Tuy nhiên, rủi ro về cú sốc lạm phát đặt ra thách thức đối với ngân hàng trung ương và thị trường tài chính ở một quốc gia có khả năng dễ bị tổn thương nhất do giá dầu Brent tăng mạnh. Đầu tháng này, Credit Suisse Group AG đã hai lần hạ mức xếp hạng chứng khoán Ấn Độ xuống mức thấp hơn trong danh mục các nền kinh tế châu Á, đồng thời nâng hạng Australia.
Hàn Quốc
Một nhà nhập khẩu dầu lớn khác, Hàn Quốc cũng đang chứng kiến tình trạng bán tháo cổ phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần làm đồng nội tệ của nước này suy yếu. Đồng won đã giảm khoảng 3% so với đồng bạc xanh kể từ khi xảy ra khủng hoảng ở Ukraine, trở thành động tiền "tệ" thứ 2 ở khu vực châu Á.
Chỉ số Kospi, chỉ số mà trong năm 2022 bị mất điểm nhiều nhất trong số các chỉ số chứng khoán quốc gia kể từ khi chiến tranh bắt đầu, giảm gần 11% tính đến thời điểm hiện tại do thu nhập của các công ty công nghệ nặng ký có nguy cơ bị xói mòn. Triển vọng chứng khoán Hàn Quốc gần đây đã được cải thiện một chút khi tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol được cho là sẽ thân thiện với doanh nghiệp hơn người tiền nhiệm.
Các quỹ toàn cầu gần đây đồng loạt bán tháo chứng khoán các nền kinh tế mới nổi.
Trung Quốc
Các động lực tác động lên thị trường chứng khoán Trung Quốc không có sự thống nhất, trong đó những lo ngại về quy định đã tác động đến giá cổ phiếu. Theo Jian Chang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Barclays Plc, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 15% lượng dầu của mình và có thể trả giá thấp hơn cho những mặt hàng nhập khẩu đó do nhu cầu dầu của họ từ Mỹ và châu Âu giảm. Nhiều công cụ chính sách cũng có nghĩa là Bắc Kinh có thể yêu cầu các nhà máy lọc dầu quốc doanh cắt giảm lợi nhuận để giảm giá nhiên liệu.
Thái Lan
Chi phí nhiên liệu tăng cao đang đe dọa sự phục hồi mới chớm nở cho nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan, ngay khi quốc gia này bắt đầu mở cửa cho du lịch quốc tế. Việc mất khách du lịch Nga, nhóm du khách lớn nhất trong tháng Giêng, sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này. Đồng baht là đồng tiền hoạt động kém nhất châu Á kể từ cuộc Nga triển khai quân sự ở Ukraine, trong khi Chỉ số SET đã giảm hơn 2%.
Tham khảo: Bloomberg