Báo cáo ngành dầu khí của Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định giá dầu Brent đã vượt 90 USD/thùng - đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 10 năm 2014. Sự tăng mạnh của giá dầu được cho là kết hợp của nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 trong khi nguồn cung đang được kiểm soát một cách thận trọng (OPEC+ trong cuộc họp ngày 2/2/2022 đã giữ nguyên lộ trình tăng sản lượng thêm 400k thùng/ngày chứ không tăng nhiều hơn). Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng như tình hình nóng lên ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá dầu lên cao.
Các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh sau khi các nên kinh tế mở cửa trở lại là động lực chính khiến giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là nguồn cung dầu khí trong những năm qua đã không tăng mạnh do chiến lược giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ kể từ tháng 4/2020.
Theo đó, SSI Research nâng mức dự phóng giá dầu lên mức 80 USD /thùng (từ 70 USD/thùng trong báo cáo chiến lược năm 2022) sau khi tính đến đợt tăng giá gần đây của giá dầu.
"Dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ "nhạy" của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. Chúng tôi cho rằng giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL", các chuyên gia SSI nêu nhận định.
Mặt khác, với chiến lược đầu tư dài hạn, SSI cũng đưa ra khuyến nghị với 3 cổ phiếu tiềm năng là GAS, PLX và PVT trước giả định giá dầu Brent ở mức 80 USD/thùng năm 2022 như dự báo.
Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Dự án LNG Thị Vải – dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG trong giai đoạn 1. Theo đó, GAS đóng vai trò là nhà đầu tư kho chứa và đường ống, Việt Nam có thể nhập khẩu LNG lần đầu tiên vào tháng 11/2022 để bù đắp cho sản lượng thiếu tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn. LNG sẽ là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 dự kiến bắt đầu từ 2023.
Dự án Mỏ Sư Tử Trắng - GĐ 2A dự kiến sẽ được khai thác từ 2021- 2025 và dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B sẽ đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.
Dự án Block B được SSI kỳ vọng sẽ khởi công vào 2022- 2023 và cho dòng khí đầu tiên vào 2025. Theo đó, GAS, PVD và PVS là những công ty sẽ hưởng lợi từ siêu dự án này từ năm 2023.
Các dự án LNG theo quy hoạch ngành công nghiệp khí đến năm 2035, nhu cầu tiêu thụ khí ở Việt Nam sẽ đạt 23-31 tỷ m3 vào năm 2035, trong đó nguồn cung khí thiên nhiên là 17-21 tr m3, phần còn lại sẽ được đáp ứng bằng LNG nhập khẩu. Theo đó, GAS và PVS sẽ là các công ty được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư vào các khu phức hợp LNG.