Nền kinh tế số 2 thế giới mở cửa mang đến sinh khí cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có lo ngại rằng khi Trung Quốc tăng nhập khẩu năng lượng sẽ góp phần làm cho lạm phát toàn cầu tăng cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2%.
Trong 1 tuần cao điểm Tết cổ truyền từ 20 - 27/1 vừa qua, số lượt chuyến đi lại đã bằng 90% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch. Từ đó nhu cầu xăng dầu, nhiên liệu cho máy bay và các phương tiện tăng mạnh. Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu dự báo sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước và là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Riêng Trung Quốc, nhu cầu dự kiến sẽ tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự báo của toàn thế giới.
Một nhà máy lọc dầu ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Riêng khí đốt, các chuyên gia dự báo, Trung Quốc có thể đáp ứng được nhu cầu bằng sản xuất trong nước và các hợp đồng dài hạn với Mỹ, Trung Đông, Nga.
Để giảm cơn khát năng lượng hóa thạch, Trung Quốc đầu tư mạnh cho hệ thống phát điện sạch lớn nhất thế giới, hiện chiếm đến gần 50% tổng công suất phát điện.
Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu tăng mạnh do thiếu cung từ giữa năm 2023. Dù lạm phát ở Mỹ, châu Âu đạt đỉnh, nhưng nhiều ý kiến lo ngại nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc tăng mạnh có thể tiếp tục làm tăng lạm phát của Mỹ và châu Âu.