Cuộc khảo sát 34 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 106,82 USD/thùng trong năm 2022.
Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, New York, Robert Yawger cho biết, giá dầu thô dự kiến sẽ vẫn giao dịch ở mức cao cho đến khi thế giới chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết công suất sản xuất dầu trong tháng 5/2022 thấp hơn một nửa mức trung bình năm 2021, do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Xuất khẩu của Nga chiếm khoảng 7% nguồn cung dầu toàn cầu.
Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng nhu cầu khoảng 2,3 - 5 triệu thùng/ngày trong năm nay và 2 - 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023, do nguồn cung thắt chặt làm lu mờ những lo ngại về nhu cầu.
Theo Suvro Sarkar, nhà phân tích của Ngân hàng DBS, nhiều thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đặc biệt là một số quốc gia thành viên châu Phi, đã phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất hiện tại, do đầu tư thấp và công suất dự phòng của OPEC nói chung vẫn còn mỏng.
Giá dầu giảm sau quyết định của OPEC+
Trong phiên giao dịch ngày 30/6, giá dầu thế giới đã giảm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) thông báo sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 giảm 3,42 USD (3%) xuống 109,03 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn cũng giảm 4,02 USD (3,7%) xuống 105,76 USD/thùng.
Trước đó cùng ngày, OPEC+ cho biết sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 8, nhưng tránh thảo luận về chính sách cho các tháng tiếp theo.
OPEC+ cũng đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8.
Trong nước, từ chiều nay (1/7), giá các mặt hàng xăng, dầu đều giảm. Trong đó, giá xăng E5RON92 giảm hơn 400 đồng mỗi lít. Xăng RON95 giảm hơn 100 đồng/lít.