Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

31/03/2020 16:59
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của giá dầu giảm đối với kinh tế Việt Nam.

Báo cáo cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay (31/3), giá dầu thế giới đã giảm trên 60%, có nhiều tác động đối với nền kinh tế toàn cầu cả tích cực lẫn tiêu cực, trong đó các nước sản xuất dầu lớn như Nga, Arabia Saudi, Venezuela, Iraq… bị thiệt hại nghiêm trọng; trong khi hầu hết các nước khác được hưởng lợi do chi phí đầu vào thấp. Đối với Việt Nam, giá dầu thế giới giảm góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó kích thích đầu tư và tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, hoạt động đầu tư, khai thác và lọc hóa dầu. Trong năm 2020, giá dầu được dự báo tiếp tục ở mức thấp sẽ có những tác động nhất định đối với kinh tế Việt Nam.

Diễn biến giá dầu thế giới năm 2019 và quý 1/2020

Trong năm 2019, giá dầu thế giới tăng mạnh với biên độ dao động lớn do lo ngại về bất ổn địa chính trị thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với những động thái của các nước OPEC. Giá dầu có biến động mạnh, sau khi đạt mức đỉnh cuối tháng 4 (tăng khoảng 30% so với đầu năm), rồi sụt giảm 20% so với mức đỉnh; sau đó biến động với biên độ rộng tới hết năm. Cả năm 2019, giá dầu bình quân ở mức 60,62 USD/thùng, trong đó giá dầu (Brent và WTI) đã tăng khoảng 12% so với đầu năm, và chốt ngày 31/12/2019 lần lượt ở mức 66 USD và 61,07 USD/thùng.

 Trong báo cáo (tháng 1/2020), IMF dự báo giá dầu Brent và WTI bình quân năm 2020 và 2021 giảm lần lượt 4,3% và 4,7%; trung bình ở mức 58 USD năm 2020 và 55,3 USD/thùng năm 2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, đặc biệt là từ giữa tháng 2 khi dịch lan rộng, khó lường; giá dầu đã sụt giảm mạnh, khoảng 65% so với đầu năm; trong đó có nhiều phiên sụt giảm tới 20%. Hiện nay (10h ngày 31/3), giá dầu thô (Brent và WTI) đang ở mức thấp nhất trong hơn 18 năm qua, tương ứng 23,06 USD và 20,8 USD/thùng, giảm mạnh so với mức đỉnh ngày 6/1/2020 (68,91 USD và 63,05 USD/thùng), với nguyên nhân giảm từ cả phía cầu và cung.

Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

(i) Về phía cầu, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng khắp thế giới, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế từng nước, khu vực, cũng như kinh tế thế giới nói chung; thậm chí có thể dẫn tới suy thoái kinh tế, trong đó nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái hoặc giảm mạnh tốc độ tăng trưởng. Theo kịch bản cơ sở của Citi Research (27/3/2020), kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, tăng trưởng -1,6% năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2019), trong đó tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 2,4% (so với mức tăng 6,1% năm 2019), của Mỹ suy giảm -0,5% (so với mức 2,3% năm 2019), của Nhật Bản giảm -1,9% (so với mức tăng 0,7% năm 2019), của Hàn Quốc tăng khoảng 0,3% (so với mức tăng 2% năm 2019), còn khu vực đồng tiền chung Châu Âu thậm chí giảm -8,4% (so với mức tăng trưởng 1,2% năm 2019). Một số dự báo gần đây cảnh báo rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 khá rõ nét, khi đó mức tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ còn thấp hơn. Hệ quả là, nhu cầu thế giới về hàng hóa nói cung, trong đó có xăng dầu sụt giảm mạnh.

(ii) Về phía cung, OPEC+ (gồm OPEC và các nước liên minh xuất khẩu dầu) và Nga không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khai thác (thỏa thuận sẽ hết hạn vào 31/3/2020), do Nga từ chối đề xuất cắt giảm thêm; khiến lo ngại lượng cung dầu mỏ sẽ tăng sau thời hạn 31/3, khi các nước sẽ loại bỏ mọi giới hạn sản xuất của chính họ .

Bên cạnh hai nguyên nhân chính trên, giá dầu giảm từ đầu năm 2020 đến nay còn do 3 nguyên nhân khác: (iii) từ đầu năm 2020 đến nay, đồng USD đã tăng giá (khoảng 3%) so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác - yếu tố gây áp lực giảm giá hàng hóa, trong đó có dầu thô do giá dầu được tính theo USD; (iv) các nước OPEC, Nga, Mỹ sử dụng giá dầu là công cụ để trừng phạt kinh tế gián tiếp lẫn nhau (do chi phí vốn và chi phí sản xuất dầu của mỗi nước là khác nhau; và công nghiệp năng lượng là xương sống của các nước này); (v) chí phí khai thác dầu thô tiếp tục giảm nhờ ứng dụng công nghệ mới và tiết giảm chi phí. Hiện nay, chi phí khai thác dầu thô bình quân của các nước sản xuất dầu lớn đều thấp hơn 40 USD/thùng. Thí dụ, Kuwait là nước có chi phí sản xuất dầu thấp nhất, chỉ khoảng 8,5 USD/thùng; kế đến là Ả Rập Xê Út 9,9 USD/thùng, Iraq 10,7 USD/thùng, UAE 12,3 USD/thùng, Iran 12,6 USD/thùng….v.v.

Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 2.

Nguồn: Rystad Energy Interactive.

Dự báo giá dầu năm 2020

Tháng 1/2020, kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, khi căng thẳng Mỹ-Trung có phần lắng dịu và hai nước đã ký được thỏa thuận giai đoạn 1. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc đã lan rộng ra khắp thế giới đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội của hầu hết các nước. Đến ngày 11/3/2020, WHO đã chính thức công bố Covid-19 là đại dịch và nhiều nước trên thế giới cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, đang lây lan mạnh ở Châu Âu, Mỹ và ASEAN; tiếp tục tác động đến kinh tế - xã hội toàn cầu, nhiều khả năng kinh tế thế giới và nhiều nước sẽ bước vào giai đoạn suy giảm, thậm chí phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước phải đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (như hạ lãi suất cơ bản, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất tái chiết khấu, tăng cho vay ưu đãi…v.v) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.

Về triển vọng giá dầu đến hết năm 2020, hầu hết các tổ chức quốc tế đều căn cứ trên một số giả định: (i) nguồn cung tiếp tục tăng do các nước OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận, trong khi nhu cầu sụt giảm do triển vọng kinh tế toàn cầu khá ảm đạm; (ii) rủi ro tăng khiến nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn, trong đó có trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD; vì vậy, đồng USD được nhận định là sẽ tiếp tục tăng giá, so với hầu hết các đồng tiền mạnh khác.

Như đã phân tích ở trên, hiện nay giá dầu đang chịu áp lực kép, cả về phía cầu sụt giảm và phía cung còn tăng; hệ quả là giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm và đứng ở mức thấp. Theo dự báo của Morgan Stanley, Goldman Sachs và Citi Research tuần qua, giá dầu thế giới trong quý 2 và quý 3/2020 sẽ chỉ khoảng 25-30 USD/thùng và nguồn cung dầu có thể dư thừa khoảng 3,5 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Theo khảo sát của Bloomberg giữa tháng 3/2020, 90% các nhà kinh doanh dầu và các sản phẩm từ dầu cho rằng giá dầu Brent sẽ giảm xuống mức 20 USD/thùng vào giữa tháng 4/2020 (và giá dầu WTI thấp hơn giá dầu Brent khoảng 3-5 USD/thùng); và sẽ đứng ở mức thấp trong vài tuần, thậm chí vài tháng trong năm 2020. Trong khi đó, Energy Aspects (tháng 3/2020) dự báo giá dầu Brent bình quân cả năm 2020 có thể ở mức 20 USD/thùng.

Tác động của giá dầu giảm mạnh đối với kinh tế Việt Nam

Đối với Việt Nam, việc giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong năm 2020 có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế.

Tác động tích cực

- Một là, giá dầu giảm làm giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó giúp giảm nhập siêu cũng như tiết kiệm cho Việt Nam một lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.

Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan; Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị nhập khẩu xăng dầu năm 2019 của Việt Nam là 9,55 tỷ USD, giảm được 830 triệu USD so với năm 2018; trong khi đó xuất khẩu xăng dầu là 3,94 tỷ USD, giảm 284 triệu USD so với năm 2018. Nhập siêu xăng dầu năm 2019 là 5,6 tỷ USD, giảm khoảng 500 triệu USD so với năm 2018 (Bảng 1). Như vậy, là một nước nhập siêu xăng, dầu, việc giá dầu giảm là yếu tố tích cực giúp Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu.

Hai là, giá dầu giảm tác động tích cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp

Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ Công thương; Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

Nhờ giá xăng dầu giảm, người dân tiết kiệm được chi phí (nhất là giao thông), từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế. Từ đầu năm 2020 đến nay (kỳ điều chỉnh gần nhất là 29/3/2020), giá xăng dầu đã 6 lần được điều chỉnh giảm, khoảng 30-40% (tùy loại) đã giúp người dân hạn chế chi phí, từ đó tăng chi tiêu cho các dịch vụ khác, góp phần cải thiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng. Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, cũng như cải thiện lợi nhuận nói chung, ví dụ, ngành vận tải sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì đây là ngành tiêu thụ nhiều xăng dầu và chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí (35-40%). Ngoài ra, một số ngành khác cũng được hưởng lợi như sản xuất nhựa, phân bón, luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông… do xăng dầu chiếm khoảng 20-30% chi phí đầu vào

- Ba là, giá xăng dầu giảm, làm giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Giá dầu giảm mạnh tác động trực tiếp, làm giảm tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng…v.v.; từ đó làm giảm áp lực lên CPI (hiện nay, xăng dầu có quyền số chiếm tỷ trọng 4% trong rổ tính CPI). Bên cạnh đó, việc giảm giá xăng dầu cũng tác động tới nhóm giao thông (quyền số 9,37%); đồng thời có tác động gián tiếp đến nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI- 36,12%), góp phần ổn định biến động của nhóm này.

Hiện nay, CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, chỉ số CPI bình quân quý 1 năm 2020 đã tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 4 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%). Do đó, việc giảm giá xăng, dầu sẽ góp phần giảm áp lực lên lạm phát; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tác động tiêu cực

- Một là, làm giảm nguồn thu NSNN từ dầu thô. Từ năm 2000 đến nay, tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô trong cơ cấu thu NSNN giảm, từ mức bình quân 25% giai đoạn 2000-2008; xuống còn khoảng 13% giai đoạn 2009-2014 và hiện chỉ còn khoảng 4,7% giai đoạn 2015-2019. Tổng thu ngân sách từ dầu thô cũng giảm từ mức 115 nghìn tỷ đồng năm 2013 xuống chỉ còn khoảng 53 nghìn tỷ đồng năm 2019 chỉ bằng khoảng 46% năm 2012-2013 và bằng 54,3% năm 2014.

Bảng 2: Thu ngân sách từ dầu thô của Việt Nam (nghìn tỷ đồng, %)

Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 5.

Nguồn: Tổng cục Thống kê; Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến thu từ dầu thô, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng bị ảnh hưởng, do giá dầu suy giảm. Chẳng hạn, hiện cơ cấu giá xăng (từ 1/1/2020) được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế, thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (4.000 đồng), chi phí định mức kinh doanh (tùy theo loại xăng RON95 hoặc E5), lợi nhuận định mức và trích quỹ bình ổn (tùy loại xăng dầu)...v.v. Do đó, giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các loại thuế thu được từ xăng, dầu.

Do vai trò và tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng NSNN đã giảm nên ảnh hưởng của việc giảm giá dầu đến ngân sách là không nhiều, song khi giá dầu giảm mạnh (đặc biệt giảm mạnh hơn so với giá dự toán), sẽ dẫn tới nguồn thu ngân sách giảm, trong bối cảnh Chính phủ tăng cường đẩy mạnh đầu tư công, để bù đắp sự sụt giảm từ đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19; sẽ khiến cân đối ngân sách khó khăn hơn, làm tăng thâm hụt ngân sách, nợ công,…v.v.

Hai là, tác động tiêu cực đến ngành khai khoáng (nhất là dầu khí) (hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP). Đối với một số tập đoàn/doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… thì giá dầu giảm xuống thấp sẽ làm giảm nguồn doanh thu; từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác, thăm dò của năm 2020, cũng như các năm tiếp theo. Ngoài ra, một số doanh nghiệp dầu khí niêm yết còn chịu ảnh hưởng do giá cổ phiếu giảm mạnh, và phải chịu sức ép thoái vốn từ các nhà đầu tư. Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập của những doanh nghiệp này vào NSNN cũng giảm tương ứng. Chẳng hạn, theo đánh giá của PVN, với kế hoạch và kịch bản giá dầu năm 2020 khoảng 60USD/thùng, doanh thu của PVN là 4,67 tỷ USD. Khi giá dầu còn khoảng 30 USD/thùng, doanh thu sẽ chỉ còn 2,36 tỷ USD. Hệ quả là nộp NSNN của PVN dự kiến sẽ giảm từ gần 1,6 tỷ USD xuống chỉ còn 800 triệu USD.

 Một số kiến nghị

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam bền vững trong dài hạn, nhóm nghiên cứu có một số kiến nghị như sau:

Về điều hành tài khóa: Cơ quan quản lý cần phối hợp, tăng cường theo dõi sát diễn biến giá dầu, trong đó cần tính toán tác động của kịch bản giá dầu ở mức 20-20 USD/thùng để có những biện pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo thu ngân sách ổn định. Để đảm bảo tính bền vững của tài khóa, các bộ, ngành liên quan cần rà soát kế hoạch ngân sách năm 2020 và trung dài hạn 2020-2025 theo hướng tiếp tục tăng các nguồn thu khác thay thế cho nguồn thu từ khai thác dầu thô và các tài nguyên khác, phấn đấu giảm mức đóng góp của dầu thô trong thu NSNN xuống 2-3%, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên, vừa tránh những biến động do ảnh hưởng khách quan bên ngoài.

Về quản lý rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu: (i) các doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu, các sản phẩm chế biến từ dầu nên tăng cường sử dụng hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn nhằm kiểm soát tốt giá cả nhập khẩu xăng dầu; (ii) giảm tỷ trọng xuất khẩu các nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, than… tăng cường xuất khẩu các sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến nhằm tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời giảm bớt nhu cầu nhập khẩu sản phẩm xăng dầu; (iii) Cân đối giữa xuất nhập khẩu xăng dầu và nhu cầu thị trường trong nước, đặc biệt là nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.

- Về hoạt động khai thác dầu: các doanh nghiệp khai thác, lọc hóa dầu cần điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng: (i) giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến trung bình năm 2020 (30 USD/thùng); (ii) tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động phấn đấu đưa chi phí khai thác xuống dưới 30 USD/thùng nhằm đối phó với kịch bản giá dầu giảm về mức thấp dưới 20-25 USD/thùng; và (iii) rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu, khí.

- Về quản lý giá xăng dầu: cơ quan quản lý nên tính toán, điều hành giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu tại Việt Nam ở mức phù hợp, cân bằng hơn với giá tại các nước trong khu vực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến xuất khẩu... qua đó có thể đóng góp trở lại cho ngân sách.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Giá dầu giảm sâu tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? - Ảnh 6.

https://cafef.vn/su-kien/742-giam-dau-kinh-te.chn

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
3 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
37 phút trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
1 phút trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
13 phút trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
33 phút trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Cao su

RUBBER

41.207.572 VNĐ / tấn

188.30 JPY / kg

0.84 %

- 1.60

Đường

SUGAR

11.980.496 VNĐ / tấn

21.38 UScents / lb

0.00 %

- 0.00

Cacao

COCOA

227.334.120 VNĐ / tấn

8,944.00 USD / mt

3.58 %

+ 309.00

Cà phê Arabica

COFFEE ARABICA

169.559.319 VNĐ / tấn

302.59 UScents / lb

0.00 %

- 0.00

Gạo

RICE

17.475 VNĐ / tấn

15.11 USD / CWT

0.40 %

- 0.06

Đậu nành

SOYBEANS

9.196.905 VNĐ / tấn

984.75 UScents / bu

0.72 %

+ 7.00

Bột đậu nành

SOYBEAN MEAL

8.189.661 VNĐ / tấn

292.30 USD / ust

1.00 %

+ 2.90

» Xem tất cả giá Nông sản

Tin cùng chuyên mục

[Trên Ghế 43] Ông chủ Phê Phượt bày cách phượt bằng ô tô: Đi gì, ăn gì, ở đâu, mấy ngày và làm gì?
22 giờ trước
Xuyên Việt hàng chục lần, anh Đoàn Kiều Dũng có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai đang có ý định phượt bằng ô tô.
Cãi vợ nuôi đặc sản "dân nhậu thích mê", anh nông dân kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm
23 giờ trước
Từng cãi vợ, bỏ nghề tài xế để chuyển sang mô hình nuôi loài động vật quen thuộc dân nhậu thích mê, nông dân Bùi Công Mạnh mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.
Bộ trưởng Công Thương: Không để găm hàng, tăng giá dịp Tết
1 ngày trước
Trước biến động giá cả có thể xảy ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, đơn vị trực thuộc bộ và các doanh nghiệp, tập đoàn có biện pháp ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Giá cà phê tăng vọt
1 ngày trước
Trong phiên giao dịch hôm 20/11, giá hai mặt hàng cà phê Arabica leo đỉnh cao nhất kể từ năm 2011 và Robusta trở lại mức cao nhất trong hơn một tháng.