Giá dầu thô năm 2018 liên tục biến động mạnh. Vào tháng 10, giá dầu từng lên cao nhất 4 năm vì quyết định tái trừng phạt Iran của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ công bố có 8 nước tiếp tục được mua dầu của Iran và Arab Saudi cam kết tăng sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt dầu từ Iran, giá dầu bắt đầu giảm mạnh và hiện đang ở mức thấp nhất năm 2018.
Cụ thể, giá dầu ngày 23/11 giảm mạnh. Giá WTI mất 4,21 USD, tương đương 7,7%, xuống 50,42 USD/thùng, phiên tệ nhất kể từ ngày 6/7/2015. Chốt tuần, giá WTI mất 10,7%, ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Giá dầu Brent cùng ngày giảm 3,84 USD, tương đương 6,1%, xuống đáy 13 tháng 59,04 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 12%.
Diễn biến giá dầu WTI trong 6 tháng qua
Diễn biến giá dầu Brent trong 6 tháng qua
Giá cả hai loại dầu trên đều đã mất hơn 30% so với đỉnh hồi đầu tháng 10.
Mới đây, JPMorgan đã hạ triển vọng đối với thị trường dầu, với dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 73 USD/thùng trong năm 2019, giảm so với dự báo trước đó của ngân hàng là 83,5 USD/thùng. Giá sẽ tiếp tục giảm về 64 USD/thùng trong năm tiếp theo. Scott Darling, Giám đốc mảng nghiên cứu dầu khí châu Á Thái Bình Dương tại JPMorgan, lý giải việc hạ dự báo triển vọng giá dầu là do nguồn cung tại khu vực Bắc Mỹ sẽ tăng mạnh trong nửa sau của năm 2019. Tăng trưởng nhu cầu là yếu tố cần lưu ý, đặc biệt là sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đồng ý tăng sản lượng vào tháng 6, theo ông Darling.
Cổ phiếu dầu khí lao dốc
Các cổ phiếu dầu khí trên thị trường đã có đợt lao dốc rất mạnh cùng giá dầu thế giới. GAS từ mức đỉnh 6 tháng, lên 124.000 đồng/CP (4/10) giảm còn 92.500 đồng/CP, tương ứng giảm 34% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Diễn biến cổ phiếu GAS trong 6 tháng qua
Diễn biến tương tự cũng xảy đến với PVS, cổ phiếu này cũng giảm 30% từ 22.200 đồng/CP xuống còn 17.110 đồng/CP. PVD giảm từ 21.900 đồng/CP xuống 15.500 đồng/CP, tương ứng giảm 29,2%.
Diễn biến cổ phiếu GAS trong 6 tháng qua
Sau khi lập đỉnh 4 năm hồi đầu tháng 10, nhiều chuyên gia đã dự đoán một giai đoạn tương sáng trong thời gian tới tuy nhiên, nhưng diễn biến trên thị trường dầu mỏ thế giới lại cho thấy điều ngược lại.
Triển vọng ngành dầu khí ra sao
Theo nhận định của Biên An Toàn, viễn cảnh không mấy tích cực của thị trường dầu khí thế giới sẽ ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ có sự phân hóa xuất phát từ chiều sâu liên kết với thị trường dầu khí thế giới. Trong đó, xét về khía cạnh doanh thu thì nhóm doanh nghiệp ngành khí với đại diện là Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (PGS), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Bắc (PVG), Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD), Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (PMG), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG)… sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi giá bán khí có sự tham chiếu cao theo giá dầu thế giới. Diễn biến doanh thu của nhóm doanh nghiệp này cũng thể hiện sự đồng thuận với diễn biến giá dầu trong quá khứ, đặc biệt là trong giai đoạn năm 2014-2016.
Cũng chịu sự tác động từ diễn biến của giá dầu nhưng CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) sẽ giảm đi phần nào ảnh hưởng nhờ sự hỗ trợ từ nhu cầu xăng dầu trong nước. Riêng PLX sẽ có cơ hội tăng trưởng lớn trong những năm tới nhờ sản phẩm xăng E5 và các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn bù đắp cho rủi ro từ biến động giá dầu.
Triển vọng của các doanh nghiệp hoạt động ở phân khúc vận tải và hỗ trợ thượng nguồn dầu khí là PTSC (PVS) và PV Trans (PVT) lại được đánh giá khả quan hơn trong giai đoạn hiện tại khi hoạt động kinh doanh ít chịu sự phụ thuộc bởi giá dầu. Với nhu cầu sản phẩm dầu khí tăng cao trong nước và các dự án khai thác dầu khí trong khu vực thì PVS và PVT sẽ đứng trước cơ hội gia tăng hiệu suất hoạt động và trở thành các cổ phiếu có triển vọng ‘đi ngược’ với xu hướng giá dầu trong thời gian tới.