Giá dầu giảm khi các dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhật với Iran có thể sớm kết thúc, đồng nghĩa mức sản lượng khoảng 1 triệu thùng dầu bán ra thị trường của Iran có thể được khôi phục.
Dầu WTI giảm xuống mức hơn 107 USD/thùng sau khi chạm mức 116 USD - cao nhất kể từ năm 2008. Dầu Brent đạt gần 120 USD tước khi giảm trở lại. Trong phiên giao dịch ngày 3/3, giá dầu đã dao động trong phạm vi 10 USD khi hầu hết công ty dầu mỏ lớn tiếp tục "tẩy chay" dầu mỏ của Nga. Cuộc biểu tình của giá dầu chỉ hạ nhiệt khi xuất hiện các báo cáo cho thấy Iran sắp sửa ký một thỏa thuận. Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng cho biết một thỏa thuận đã gần đạt được, chỉ còn một số điểm tồn tại.
Thị trường dầu thô đã trải qua một đợt biến động bất thường kể từ khi Nga tiến quân vào Ukraine, gây thêm bất ổn cho thị trường dầu toàn cầu. JP Morgan dự đoán giá dầu Brent có thể tăng lên 185 USD vào cuối năm nay nếu tình trạng hiện tại không được cải thiện. Người mua đã tránh xa việc kinh doanh với Nga khi Mỹ và các nước lớn khác tìm cách cô lập Nga khỏi thị trường tài chính. Các thương nhân đang chào bán dầu thô của Nga với mức chiết khấu kỷ lục nhằm thu hút người mua.
Diễn biến giá 2 loại dầu thô trong ngày 3/3.
"Thị trường đang bán tháo do hy vọng về thỏa thuận với Iran trong vài ngày tới cũng như các bình luận từ Đức rằng họ không muốn cấm vận đối với dầu thô của Nga", Rebecca Babin - nhà kinh doanh năng lượng cấp cao của CIBC Private Wealth Management cho biết. "Tuy nhiên, tình trạng bán tháo diễn ra không mạnh bởi về cơ bản, thị trường đang tự 'cấm vận' dầu mỏ của Nga và lấy đi 3 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường".
Trước thời điểm xung đột Nga - Ukraine lên đỉnh điểm, thị trường dầu đã ở trạng thái thắt chặt khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Chi phí năng lượng tăng cao làm tăng thêm áp lực lạm phát với nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá của mọi loại hàng hóa từ xăng tại trạm bơm xăng đến dầu diesel. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo an ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa khi kế hoạch giải phóng khẩn cấp dự trữ dầu thô của Mỹ và các đồng minh đã không thể dập tắt lo ngại của thị trường.
Các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định không hứng thú với một lệnh cấm khai thác dầu của Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng phản đối ý tưởng về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Bất chấp sự quay cuồng của thị trường, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và đồng minh vẫn đứng ngoài cuộc. Nhóm này giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày đã lên kế hoạch từ trước, áp dụng từ tháng 4. Cuộc họp hôm 3/3 của nhóm đã kết thúc trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục là 13 phút.