Từng dậy sóng khi giá dầu liên tục leo thang, song đến nay một số đơn vị trong nhóm dầu khí cũng nhanh chóng giảm nhiệt khi giá dầu bất ngờ lao dốc không phanh. Nếu nhìn dự báo từ đầu năm đến nay thì hầu như không một dự báo nào nói giá dầu giảm, tất cả đều kỳ vọng tăng. Thậm chí, từ tháng 10 sau khi Mỹ cấm vận trở lại với Iran thì giá dầu theo nhiều chuyên gia phải đạt mức 100 USD/thùng.
Song, thực tế cho thấy điều ngược lại, chỉ trong vòng vài tuần giá dầu giảm mạnh hơn 30%, hiện đâu đó giá dầu chỉ đạt khoảng 50-60 USD/thùng. Cập nhật mới nhất, dầu Brent chỉ còn đạt 56,26 USD/thùng, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất 14 tháng là 56,16 USD/thùng. Được biết, giá dầu thô giảm sâu trong phiên vừa qua do lo sợ dư cung và nhu cầu yếu làm gia tăng hoạt động bán tháo. Không chỉ giảm trong phiên, cả dầu Mỹ và dầu Brent đều giảm tiếp sau phiên giao dịch (trên bảng điện tử) sau khi Viện Nghiên cứu dầu Mỹ cho biết tồn trữ của Mỹ tuần qua tăng lên trái với dự đoán.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần tới 14/12/2018, lên 441,3 triệu thùng, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 2,4 triệu thùng. Nếu Chính phủ Mỹ xác nhận thông tin này thì đây là tuần dự trữ tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Doanh nghiệp dầu khí "vội" giảm nhiệt
Trước tình hình trên, doanh nghiệp nhóm dầu khí trong nước cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt. Trước hết phải kể đến Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) – đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu khi hầu như đảm nhiệm tất cả dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hơn nữa Công ty còn hoạt động trên trường quốc tế.
Ghi nhận bởi giới phân tích, hiệu suất sử dụng giàn khoan có mối quan hệ tương quan cùng chiều chặt chẽ với giá dầu, thống kê cũng cho thấy giữa giá thuê giàn khoan và đường MA (moving average) 24 tháng của giá dầu vẫn có có liên hệ với nhau kể từ sau năm 2009 với độ trễ vào khoảng 12 tháng. Lý do bởi mỗi một chu kỳ tăng giảm mạnh của giá dầu sẽ có ảnh hưởng tới tương quan cung cầu giàn khoan.
Nếu so trực tiếp với giá dầu, độ trễ tổng cộng sẽ vào khoảng 3 năm; tức dầu thô - loại commodity lên/xuống thất thường – có biến động nhanh hơn giá giàn khoan. Mặc dù vậy, trước biến động giá dầu thời gian gần đây, cổ phiếu PVD cũng nhanh chóng giảm nhiệt. Từng tăng đột biến vào khoảng tháng 9-10/2018 để đạt đỉnh 22.000 đồng/cp, đến nay PVD đã "bốc hơi" 28% thị giá về mức 15.900 đồng/cp hiện nay.
Giao dịch PVD 6 tháng qua.
Về kinh doanh, trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo giá dầu thô thấp hơn có thể làm chậm lại hoạt động tham dò và khai thác của PVD, từ đó dẫn đến đà phục hồi chậm của giá thuê ngày giàn khoan. Theo đó, đơn vị chứng khoán này điều chỉnh giảm 4% dự báo lợi nhuận 2019 của PVD, từ mức 349 tỷ về 335 tỷ đồng.
Một đơn vị cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ giá dầu, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). Trong đó, mức giá dầu thô thấp hơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến PVS khi có thể làm giảm giá dịch vụ cũng như các hợp đồng ký mới thấp hơn.
So với PVD, PVS được cho là ít có sự tương quan đến biến động giá dầu thô hơn do danh mục kinh doanh đa dạng hơn (tàu, cảng biển, kho dầu thô nổi, M&C...). Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh của đơn vị kinh doanh dịch vụ dầu khí này cũng điều chỉnh giảm. Trong đó, VCSC vừa giảm mức lợi nhuận dự báo cho PVS từ mức 818 tỷ về 755 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu PVS cũng ghi nhận điều chỉnh đáng kể, giảm 14% thị giá sau 2 tháng, hiện giao dịch tại mức 18.600 đồng/cp. Được biết thêm, triển vọng của PVS cũng phụ thuộc lớn vào tiến độ phát triển các dự án khí lớn, ví dụ như mỏ Lô B, Su Tử Trắng – Giai đoạn 2 và dự án Cá Voi Xanh.
Giao dịch PVS.
Hay đơn vị thu gom khí tại các mỏ và phân phối lại cho các doanh nghiệp khác trên thị trường là Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS) cũng dự bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến động giá dầu.
Đây cũng là 1 trong 3 doanh nghiệp họ dầu khí bị điều chỉnh giảm lãi bởi VCSC, cụ thể VCSC điều chỉnh giảm 4,4% lợi nhuận 2019 của GAS so với dự báo trước đó, từ mức 13.261 tỷ về 12.679 tỷ đồng. Chiều ngược lại, mới đây GAS lại vừa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018 công ty mẹ, trong đó doanh thu tăng từ 52.473 tỷ lên 54.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng hơn 20% lên 7.600 tỷ đồng.
Không hơn PVD và PVS, cổ phiếu GAS điều chỉnh mạnh từ mức đỉnh tháng 10, ghi nhận giảm 25% thị giá từ vùng 120.000 đồng về chỉ còn 91.900 đồng/cp hiện nay.
Giao dịch GAS 1 năm qua.
Ngoài ra, một số đơn vị liên quan khác như BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn, PLX của Petrolimex hay PVTrans (PVT) mặc dù ít chịu ảnh hưởng bởi giá dầu, tuy nhiên triển vọng cũng không còn quá lạc quan như trước, khi giá dầu đến nay đang trong đà giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dư cung, triển vọng kinh tế thấp… ảnh hưởng lên giá dầu
Điểm qua về giá dầu, niềm tin của các nhà đầu tư đang bị xói mòn khi ngày càng nhiều tổ chức dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng yếu đi trong 12 tháng tới, là triển vọng xấu nhất trong vòng một thập kỷ. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu thế giới.
Trong một lần chia sẻ gần đây, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhận định: "Nhiều lý do được đưa ra cho việc giảm giá dầu, nào là Opec, nào là ứng xử của Nga… tuy nhiên có một nguyên nhân rất lớn khiến giá dầu giảm liên quan đến kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc". Điển hình cho đến mới đây nhất, trước bối cảnh Mỹ Trung, nhiều bên lại có dự báo giá dầu thời gian tới sẽ đi ngang, thậm chí giảm 15-17%. Bấy nhiêu đó đủ thấy giá dầu thực sự khó dự báo, vị này nhấn mạnh.
Cùng với đó, dư cung cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến giá dầu. Có nhiều bằng chứng cho thấy nhu cầu thấp hơn khi tồn kho xăng dầu đã tăng mạnh tại châu Á, với tồn kho tại Singapore, trung tâm lọc dầu của khu vực, đã tăng lên mức cao nhất 3 tháng qua, trong khi tồn kho tại Nhật Bản cũng gia tăng. Tồn kho dầu tại Mỹ cũng cao hơn khoảng 7% so với 1 năm trước, ghi nhận bởi Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Cập nhật mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho thấy nguồn cung dầu thô toàn cầu đã tăng nhanh chóng, khi sản lượng kỷ lục từ Ả-rập Saudi (11,3 triệu thùng/ngày), Nga (11,4 triệu thùng/ngày) và Mỹ đã bù đắp cho mức giảm khai thác tại Iran và Venezuela.
IEA cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu tiếp tục cao, tăng 1,3 triệu thùng/ngày năm nay và 1,4 triệu thùng/ngày năm 2019 dù triển vọng vĩ mô còn chưa ổn định. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ chậm lại một chút trong năm 2019 xuống 3% từ 3,1% trong năm 2018. Hay OPEC cũng dự báo tiêu thụ tăng 1,3 triệu thùng/ngày năm 2019.
Nguồn: VCSC.