Rạng sáng 21/4 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI (Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức mức kỷ lục. Ban đầu, mức dầu WTI rơi xuống -40,32 USD/thùng rồi quay ngược lại mức -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch. Đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm, dưới 0 USD/thùng.
Đánh giá về tác động của giá dầu rơi xuống mức âm với kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết với có giá trị dầu thô xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã giảm dần việc phụ thuộc vào dầu thô.
"Khai thác dầu của chúng ta năm sau giảm hơn năm trước vì trữ lượng không còn nhiều. Công nghiệp khai thác dầu thô chỉ chiếm 70% trong ngành công nghiệp khai khoáng. Mà ngành này cũng chỉ chiếm khoảng 12% trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo", ông nói. Chính vì vậy, giá dầu không tác động nhiều đến ngành.
Nhưng ở chiều nược lại, khi giá xăng dầu suy giảm, Việt Nam có thể nhập khẩu dầu với giá rẻ hơn. Điều này, theo ông Lâm, sẽ làm giảm giá sản phẩm trong nước, kích thích sản xuất. Đó là điểm lợi với nền kinh tế - ông nói.
Tại Việt Nam, những tác động của giá dầu thế giới đã kéo giá xăng liên tiếp giảm mạnh chưa từng có, giá xăng RON95 hiện chỉ còn gần 12.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tối đa bán trên thị trường là 11.343 đồng/lít và xăng RON95-III bán trên thị trường không cao hơn 11.939 đồng/lít kể từ ngày 13/4.
Trên báo chí, ông Trịnh Quang Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam giá xăng dầu trong nước trước mắt chưa bị ảnh hưởng bởi lao dốc chưa từng có của giá dầu thế giới.
Còn về tác động gián tiếp, hiện các doanh nghiệp trong hiệp hội xăng dầu Việt Nam đang tiếp tục theo dõi và đánh giá mức ảnh hưởng giá dầu WTI của Mỹ như thế nào đến thị trường xăng dầu châu Á.
Đặc biệt là việc ảnh hưởng của giá dầu WTI lên giá dầu ở một số thị trường Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này để có kế hoạch mua vào phù hợp. Hiện lượng xăng dầu mà Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là 3 thị trường Singapore, Hàn Quốc, Malaysia.