Sự đảo chiều này có được do giới đầu tư kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, và một phần do tồn trữ dầu thô ở Mỹ có thể giảm, trong bối cảnh lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Saudi Arabia sau mấy cuộc tấn công liên tiếp vào những cơ sở sản xuất dầu của nước này.
Cụ thể, sáng nay 9/3 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 5 tăng 32 US cent (0,5%) lên 68,56 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WIT) kỳ hạn tháng 4 tăng 19 US cent (0,3%) lên 65,24 USD/thùng. Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên đã hạn chế đà hồi phục của giá dầu.
Các nhà đầu tư lúc này tập trung chủ yếu vào triển vọng hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Hôm qua 8/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết gói viện trợ chống Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ đủ lớn để thúc đẩy kinh tế Mỹ hồi phục"rất mạnh mẽ".
Trong khi đó, tồn trữ dầu thô và các sản phẩm dầu lọc của Mỹ trong tuần qua ước tính giảm, với tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm tuần thứ 5 liên tiếp, theo kết quả thăm dò sơ bộ của hãng Reuters.
Stephen Innes, trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của hãng Axi cho biết: "Các yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn hỗ trợ giá dầu một cách đáng kinh ngạc, đặc biệt là việc Saudi Arabia dường như đang nắm toàn quyền kiểm soát giá dầu bằng việc theo đuổi chính sách thắt chặt sản lượng". Theo ông Innes: "Giá dầu Brent hiện đang ở mức trên 68 USD/thùng, cho thấy các nhà đầu cơ có thể sẽ quay trở lại mua vào sau phiên 7/3 giao dịch trong sự "hỗn loạn".
Phiên 8/3, giá dầu bất ngờ giảm sâu sau khi đạt đỉnh cao nhất hơn 1 năm, mặc dù nhà máy năng lượng của Saudi Arabia bị tấn công. Phiên đó, dầu Brent kết thúc phiên giảm 1,12USD/thùng tương đương 1,6% xuống 68,24USD/thùng; dầu WTI giảm 1,04USD/thùng tương đương 1,6% xuống 65,05USD/thùng. Việc giá dầu giảm không có lý do rõ ràng khiến nhiều người bị bất ngờ, bởi chỉ ở phiên liền trước đó (5/3), giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020, còn dầu WTI cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, ông Colin Cieszynski, nhận xét: "Giá dầu đã có khoảng thời gian tăng giá tốt, tuy nhiên đến phiên 5/3, thị trường dường như đã bị bán quá mức", nghĩa là thị trường này đang bị "mắc kẹt" trong bối cảnh giá cả hàng hóa đang giảm khi đồng USD tăng giá.
Mặc dù đang trong giai đoạn biến động rất mạnh, song nếu so từ tháng 11 năm ngoái đến nay, giá dầu đã tăng hơn 70%. Còn tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng khoảng hơn 30%, chỉ riêng trong tuần trước đã tăng 7% sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cho phép quy định cắt giảm sản lượng kéo dài đến cuối tháng 4/2021.
Việc một số khu vực sản xuất dầu của Saudi Arabia gần đây liên tục bị tấn công càng đẩy thị trường dầu nóng lên.
Mới đây nhất, một nhà máy sản xuất dầu của Saudi Arabia bị phiến quân Yemen tấn công. Trước đó vài ngày, một số nhà máy năng lượng khác của nước này cũng bị tấn công, và các máy bay chiến đấu do Saudi Arabia chỉ đạo đã thả bom vào "thủ phủ" của nhóm phiến quân Yemen. Liên minh này đổ lỗi chính quyền của ông Joe Biden về những vụ tấn công mà phiến quân Houthi đã tiến hành trước đấy, bơi trước đó, chính quyền của ông Joe Biden đã đưa nhóm Houthi ra khỏi danh sách các băng nhóm khủng bố theo quan điểm của phía Mỹ.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất, Saudi Arabia nói rằng nhà máy sản xuất năng lượng của nước này tại Ras Tanura không chịu ảnh hưởng sau vụ tấn công mới đây. Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư thuộc BDSwiss, ông Marshall Gittler, cũng nói rằng: "Sản xuất dường như không chịu tác động dù rằng thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến tần suất của các vụ tấn công hơn là mức độ của nó".
Tham khảo: Refinitiv