Trong bối cảnh OPEC và các đồng minh cố gắng bù đắp lệnh cấm vận của Mỹ lên hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, thị trường đang dấy lên đồn đoán giá dầu sẽ quay trở lại mức 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Phiên hôm qua (24/9), giá dầu thô Biển Bắc – chỉ số giá cơ bản cho hơn một nửa lượng dầu trên toàn thế giới – đã vượt mốc 80 USD/thùng, lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Đây chính xác là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng ngăn chặn khi gây áp lực buộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải tăng sản lượng. Tuy nhiên, OPEC và các đồng minh đã phát đi những tín hiệu trái chiều tại cuộc họp tại Algiers vào cuối tuần vừa qua, cho thấy có rất ít khả năng họ sẽ khuất phục trước yêu cầu giảm giá dầu từ phía Mỹ.
Thái độ của OPEC cùng với việc nguồn cung từ Iran sụt giảm do lệnh cấm vận đã tạo ra tâm trạng lạc quan bao trùm hội nghị dầu mỏ châu Á đang diễn ra tại Singapore, tập trung các công ty dầu mỏ, giới kinh doanh cũng như các ngân hàng và những người hoạt động trong ngành.
"Thị trường không có đủ nguồn cung để bù đắp 2 triệu thùng dầu có thể biến mất trong quý IV", nhà đồng sáng lập Daniel Jaeggi của Mercuria Energy Group phát biểu tại hội nghị APPEC. "Theo quan điểm của tôi, giá dầu tăng lên 100 USD/thùng là điều có thể xảy ra".
Hồi tháng 5, khi Tổng thống Trump thông báo kế hoạch áp đặt lại lệnh cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ, thị trường ước tính nguồn cung sẽ sụt giảm 300.000 – 700.000 thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, giờ đây con số dự đoán tăng lên 1,5 triệu thùng vì Mỹ tỏ ra "nghiêm túc một cách khó tin" với các biện pháp trừng phạt, theo Ben Luckock – người đứng đầu bộ phận giao dịch dầu mỏ tại Trafigura Group. Ông dự đoán đến Giáng sinh giá sẽ tăng lên 90 USD/thùng và đầu năm 2019 là 100 USD.
Trong khi nguồn cung từ Iran chắc chắn sẽ sụt giảm, sản lượng của Venezuela cũng lao dốc vì khủng hoảng kinh tế. Còn triển vọng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng không mấy sáng sủa vì những nút thắt cổ chai về cơ sở hạ tầng và các rắc rối liên quan đến lực lượng lao động.
Do đó các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới đang ở trong tư thế "ngồi im và chờ đợi". Saudi Arabia, Nga và UAE cho biết họ có đủ công suất dư thừa để thỏa mãn nhu cầu của thị trường, nhưng sẽ không cho đó là một ưu tiên cần thực hiện ngay lập tức.
Janet Kong, 1 lãnh đạo của BP, nhận định mức giá 100 USD sẽ không bền vững trong dài hạn vì lực cầu có thể bị đe dọa bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nguồn cung (đặc biệt là từ Mỹ) vẫn dồi dào trong 12 tháng tới.
Francisco Blanch, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Bank of America, liên tưởng đến đợt tăng giá năm 2008. Khi đó giá dầu Brent đã có lúc lên đến gần 150 USD/thùng nhưng vài tháng sau đã nhanh chóng giảm mạnh vì khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến lực cầu đi xuống. Lần này chiến tranh thương mại đang đe dọa tốc độ tăng trưởng của kinh tế châu Á và những bất ổn của thị trường mới nổi có thể chặn đà tăng của giá dầu.
Bank of America dự đoán kịch bản giá dầu dao động quanh mức 80 USD/thùng trong năm 2019. Citigroup cũng đưa ra con số tương tự nhưng là trong quý IV.