Giá dầu đã liên tục giao dịch dưới 100 USD/thùng từ đầu tháng 8 cho đến nay. Thị trường dầu thế giới liên tục bị đè nặng bởi lo ngại về nhu cầu, về suy thoái tiềm tàng ở châu Âu và Mỹ, và sự e ngại về tăng trưởng kinh tế của nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho biết, nếu không có suy thoái kinh tế sâu làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu, giá dầu dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay và đầu năm sau. Hầu hết đều chỉ ra rằng, công suất dự phòng hạn chế của các nhà sản xuất đá phiến Mỹ và nhóm OPEC+ là yếu tố chính khiến giá dầu tăng cao hơn trong năm tới, ngay cả khi nhu cầu toàn cầu tăng ít hơn dự kiến.
Diễn biến giá dầu WTI trong 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)
Lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu từ đường biển của Nga vào cuối năm nay cũng được cho là sẽ đẩy giá lên cao hơn do dòng chảy thương mại sẽ phải điều chỉnh một lần nữa, như trong hai tháng đầu tiên khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Theo Nikkei Asia, những nỗ lực của châu Âu nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran đã làm dấy lên suy đoán rằng hàng triệu thùng dầu có thể sẽ sớm được bơm vào thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, chỉ trong tuần này, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và nhà sản xuất hàng đầu OPEC, Ả Rập Xê-út, đã cố gắng tăng giá dầu. Bên cạnh đó, việc bơm dầu từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ (SPR) hiện đang được ấn định sẽ kết thúc vào tháng 10.
Việc kết thúc này có thể thắt chặt hơn nữa thị trường dầu mỏ trước thời điểm mùa đông. Trong khi đó, các công ty ở châu Âu và châu Á đang chuyển từ sử dụng khí đốt sang sản xuất nhiên liệu chạy bằng dầu, bởi giá khí đốt tự nhiên tăng cao đột biến.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại và thỏa thuận hạt nhân Iran đang có xu hướng kéo giá đi xuống. Nhưng giá dầu có nguy cơ tăng cao trở lại do các nguyên nhân: sự chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng một lần nữa, công suất dự phòng toàn cầu đang ở mức rất thấp, việc SPR ngừng bơm dầu và các điều luật tác động đến thị trường đá phiến của Mỹ.
Dữ liệu dầu thô từ đường biển của Nga (Nguồn: Bloomberg)
Theo nhiều nhà phân tích, một cuộc suy thoái nhẹ sẽ không thể xóa bỏ sự tăng trưởng của nhu cầu dầu.
Neal Dingmann, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Năng lượng tại Truist Securities, cho biết: "Do công suất dự phòng xuống thấp nên ngay cả khi nhu cầu chỉ tăng theo chiều hướng tích cực thì người mua vẫn phải chịu mức giá cao hơn rất nhiều".
"Trong nước, cho dù đó là dầu hay khí đốt, các công ty đều rất hạn chế gia tăng công suất vào thời điểm này", Dingmann cho biết thêm rằng với nhu cầu LNG ở châu Âu đang tăng cao, các nhà sản xuất khí đốt lớn nhất ở Mỹ "sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận khủng".
Đề cập đến công suất dự phòng toàn cầu, chuyên gia năng lượng cho biết "OPEC+, thậm chí bao gồm cả Saudi, không có khả năng dự phòng mà thị trường mong chờ"
Dingmann cho rằng dầu có thể giảm xuống 80 USD/thùng trong năm nay, nhưng sau đó sẽ tăng vọt lên 110 USD/thùng vào đầu năm sau, chủ yếu là do công suất dự phòng hạn chế cho sản xuất dầu và khí đốt trên toàn cầu.
Tuần này, Saudi Arabia cho biết OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng nếu cần, theo Bộ trưởng Năng lượng, Thái tử Abdulaziz bin Salman trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãn tin Bloomberg.
"Thị trường không thể phản ánh thực tế các nguyên tắc cơ bản và có thể mang lại cảm giác không chính xác vào những thời điểm khi khả năng dự phòng bị hạn chế nghiêm trọng và nguy cơ gián đoạn nguồn cung vẫn ở mức cao", Thái tử Abdulaziz bin Salman nhận định.
Vòng luẩn quẩn của thanh khoản yếu và sự biến động cực độ trên thị trường dầu được khuếch đại bởi những cơ sở về sự phá hủy về nhu cầu, tin tức lặp đi lặp lại về sự trở lại của khối lượng lớn nguồn cung, sự mơ hồ và không chắc chắn về tác động tiềm tàng của giới hạn giá, các lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt", một nhà khai thác dầu mỏ hàng đầu ở Ả Rập Xê Út cho biết.
OPEC+ sẽ sẵn sàng cắt giảm sản lượng lần nữa nếu cần thiết (Nguồn: Reuters)
Thái tử Abdulaziz bin Salman cho biết nhóm OPEC+ sẽ sớm bắt tay vào thực hiện một thỏa thuận mới sau năm 2022 và sẽ quyết tâm làm cho thỏa thuận mới hiệu quả hơn trước. Ngoài ra, Ả Rập Xê Út cũng gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường rằng họ sẽ tiếp tục là tổ chức quản lý nguồn cung dầu hàng đầu của thế giới.
Nếu suy thoái không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu toàn cầu, giá dầu có khả năng quay trở lại đà phục hồi do OPEC+ có thể chống lại thỏa thuận dầu Iran với các đợt cắt giảm mới, trong khi đó nguồn cung của Nga với lệnh cấm vận của EU có thể được hạn chế.
Gần đây, theo hãng tin Bloomberg, động thái mới từ Nga có ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu. Nước này đã liên hệ thêm với 1 số đối tác mua tại châu Á để thảo luận về việc bán dầu thô với mức chiết khấu khổng lồ theo các hợp đồng dài hạn, trong khi Mỹ và phương Tây đang đẩy mạnh nỗ lực giới hạn giá dầu của quốc gia này.
Ngoài ra, Nga cũng đã có các cuộc đàm phán ban đầu với một số khách hàng châu Á về khả năng giảm giá dầu thô lên tới 30%. Điều này báo hiệu rằng Moscow có thể muốn chống lại những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt giới hạn đối với giá dầu thô
Một lý do khác khiến Nga muốn giảm giá cho các giao dịch dài hạn có thể là nỗ lực của quốc gia này nhằm đảm bảo thị trường tương lai của châu Á đối với loại dầu này sẽ không còn được phép nhập khẩu vào EU vào cuối năm nay.
Tham khảo: Oilprice