Dầu thô Mỹ đã tăng 25% trong ngày 20/3 – mức tăng nhiều nhất trong lịch sử - sau khi đã giảm mất hơn một nửa trong vòng chục ngày qua. Hợp đồng dầu tương lai tại New York cũng đã hồi phục từ mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Ả Rập Xê Út đã yêu cầu Công ty sản xuất dầu Aramco giữ sản lượng ở mức cao kỷ lục với 12,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới, nhưng trong một động thái bất ngờ hôm 18/3, cả Ả Rập Xê Út và Iraq đều đã cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa mà họ cung cấp cho khách hàng, khiến giá được nâng lên.
Khi căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Nga leo thang, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết ông đang tìm kiếm biện pháp để phá vỡ sự bế tắc giữa hai siêu cường về dầu này trước những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp về việc giúp đỡ ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước. Mỹ cũng cho biết họ sẽ khởi động cam kết lấp đầy kho dự trữ chiến lược của mình bằng cách mua 30 triệu thùng dầu thô. Những điều này đã góp phần vào sự phục hồi giá mạnh mẽ của dầu.
Giá dầu tăng cao hơn cũng là bởi Trung Quốc báo cáo không có trường hợp nhiễm virus mới nào và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới liên tiếp công bố các biện pháp kích thích nhằm kiềm chế sự suy giảm kinh tế do virus gây ra.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, mặc dù tăng giá vào hôm nay 20/03, dầu vẫn còn cách xa mức cao trước đó và nhiều nhà phân tích tin rằng các biện pháp kích thích được công bố cho đến nay sẽ không đủ để ngăn chặn sự sụt giảm nhu cầu dầu trong tương lai.
Trước đó, dầu đã lao dốc mạnh là bởi đại dịch Covid-19 bùng phát dự kiến sẽ đảo ngược hơn một thập kỷ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu và chính sách tăng cường sản lượng khi Ả Rập Xê Út và Nga bắt đầu cuộc chiến giành thị phần. Giá dầu giảm đột ngột thúc đẩy sự bán tháo rộng khắp các thị trường và đe dọa các nền kinh tế trên khắp châu Mỹ Latinh và Trung Đông, đặc biệt là Mỹ - nơi ngành công nghiệp năng lượng chiếm phần lớn sản lượng và nắm giữ rất nhiều các khoản nợ.
Dầu có thể xuống thấp đến mức nào?
Ngay cả sau khi giảm khoảng 60% trong năm nay xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003, dầu được dự báo sẽ kéo dài đà giảm giá trong những tháng tới, một số chuyên gia thậm chí suy đoán giá dầu vẫn có thể sụt giảm hơn nữa khi thị trường cố gắng gửi tín hiệu ngừng cung cấp.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs trong tuần này đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý II xuống 20 USD/thùng từ mức 30 USD. Trong khi đó, Citigroup nhận định giá dầu Brent trung bình là 17 USD/thùng hoặc thấp hơn. Cũng cùng nhận định về xu hướng giảm giá của dầu, 90% các nhà kinh doanh dầu và sản phẩm từ dầu được khảo sát bởi Bloomberg cho rằng giá dầu Brent sẽ giảm xuống còn 20 USD/thùng vào giữa tháng 4 tới trong khi dầu WTI được dự đoán thấp hơn mức đó từ 3-5 USD/thùng. Sự yếu kém về giá dự kiến sẽ kéo dài từ vài tuần cho đến cuối năm nay.
Thậm chí Energy Aspects dự báo dầu Brent có nguy cơ chỉ đạt 10 USD/thùng vào tháng 4, mặc dù giá có thể sẽ vẫn ở trong phạm vi 20 USD cho cả năm 2020. "Số dầu tồn kho hiện tại cho thấy giá sẽ phải giảm hơn nữa, có thể là 10 USD/thùng, hoặc thậm chí dưới mức này trong trường hợp xấu nhất, khi nguy cơ ngừng hoạt động sản xuất xảy ra", Paola Rodriguez-Masiu, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad cho biết.
Các nhà phân tích tại MUFG Bank Ltd. cho biết, cuộc chiến giá cả là một chiến lược thất bại với cả hai Ả Rập và Nga, khi triển vọng tài khóa và doanh thu của cả hai quốc gia đều gặp trở ngại nếu dầu thô giữ ở mức dưới 40 USD/thùng trong một thời gian dài.
Tham khảo: Bloomberg, CNBC