Thị trường dầu mỏ vừa trải qua tuần biến động mạnh với mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Kết thúc phiên cuối tuần, dầu Brent tăng 56 US cent lên 72,58 USD/thùng trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 32 USD lên 67,39 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều tăng 8% trong tuần qua, nhiều nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, do lo ngại việc phương Tây tiến hành quân sự ở Syria trong bối cảnh báo cáo cho thấy dự trữ dầu thế giới sụt giảm.
Dầu Brent tiếp tục vượt xa mức 70 USD/thùng còn dầu WTI cũng tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tên lửa "sẽ tới" để đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và Saudi Arabia cho biết đã chặn tên lửa bắn vào Riyadh. Nguy cơ hành động quân sự ở Syria có thể dẫn tới sự đối đầu giữa phương Tây với Nga tại Trung Đông.
Những lo ngại của giới phân tích đã trở thành hiện thực. Sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/4, tổng thống Mỹ đã có lệnh tấn công Syria và các nước đồng minh cũng đã tham chiến. Mặc dù việc tấn công chỉ diễn ra trong chớp nhoáng song giới quan sát cũng cho rằng những tác động lên thị trường tài chính, hàng hóa là không thể phủ nhận. Giá dầu rất có thể sẽ biến động tăng mạnh trong tuần tới. Một số dự báo thậm chí còn cho rằng những căng thẳng địa chính trị leo thang sẽ đẩy giá dầu lên tới 100 USD/thùng.
Bên cạnh vấn đề liên quan địa chính trị, yếu tố cơ bản cũng đang hỗ trợ cho giá dầu đắt đỏ hơn bởi dư thừa dầu toàn cầu đang giảm nhanh. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cho biết sản lượng của nhóm trong tháng 3 giảm xuống 31,96 triệu thùng/ngày, thấp hơn 201.000 thùng/ngày so với tháng 2. Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc trong tháng 3 cũng tăng lên mức cao kỷ lục thứ 2 trong lịch sử. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo thị trường có thể trở nên quá thắt chặt nếu nguồn cung vẫn hạn hẹp.